Nhà xã hội vẫn bị “làm giá”

ANTĐ - Ngày 27-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, nên đưa vào luật chế định cho phép công ty kinh doanh nhà chịu trách nhiệm cho thuê nhà công vụ

Chưa rõ trách nhiệm

Góp ý vào Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản(sửa đổi), đa số ĐBQH kiến nghị, cần quy định chặt chẽ hơn về nhà ở xã hội để tránh tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng. Chỉ ra những bất cập như thị trường phát triển thiếu lành mạnh, tình trạng đầu cơ, lũng đoạn, làm giá còn phổ biến... ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhận xét, cả 2 dự án luật sửa đổi lần này đều không đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị quản lý trong lĩnh vực nhà ở và bất động sản. 

Bên cạnh đó, các đối tượng tham gia vào các dự án nhà ở xã hội như đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý chung cư, người sử dụng dịch vụ... chưa được làm rõ, chưa có cơ chế công khai minh bạch, dẫn đến những bức xúc của người dân. ĐB Nguyễn Đình Quyền kiến nghị: “Cần có tiêu chí, quy định về thay đổi quy hoạch, kế hoạch cụ thể trong luật để tránh việc người dân luôn phải phụ thuộc vào ý thức chủ quan của nhà quản lý”. Một số ĐBQH cũng kiến nghị cần đưa vào luật những quy định về cơ chế quản lý nhà chung cư để điều chỉnh những vấn đề phát sinh, đồng thời có “địa chỉ” cụ thể đối với đơn vị chịu trách nhiệm quá trình bảo trì, vận hành các hạng mục nhà chung cư, trách nhiệm của chính quyền cơ sở... nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Một số ĐBQH cũng quan tâm đến loại hình nhà ở công vụ. Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng thuộc diện hưởng chính sách này khi không sử dụng nữa thì chuyển đổi “ngầm”, gây thất thoát tài sản Nhà nước. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, nên đưa vào luật chế định cho phép công ty kinh doanh nhà chịu trách nhiệm cho thuê nhà công vụ. Doanh nghiệp này sẽ đứng ra lo toàn bộ thủ tục liên quan. Nếu hết thời hạn mà đối tượng được hưởng chính sách không trả lại nhà thì sẽ đưa ra pháp luật. Ngoài ra, nhiều ĐB kiến nghị, Quốc hội cần làm rõ, xem xét để 2 dự án luật này có sự đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Xây dựng và một số bộ luật khác, tránh chồng chéo, gây ách tắc.

Cho mang thai hộ là nhân văn

Cho ý kiến về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), một số ý kiến ĐBQH không đồng tình với quy định hạ độ tuổi kết hôn của nam giới xuống 18 tuổi. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, quy định nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, nam từ đủ 20 tuổi trở lên được quyền kết hôn mới phù hợp với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), đề nghị giữ quy định hiện hành (nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi). “Quy định này đã được xã hội thừa nhận, đồng tình. Hiện nay, xu hướng chung là kết hôn ở độ tuổi ngày càng cao hơn, phù hợp với sức khỏe sinh sản và thể lực của bố mẹ và con cái” - ĐB Cao Thanh Xuân nói.

Đồng tình việc luật hóa mang thai hộ, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nói có quen một phụ nữ phải thông qua đường dây ngầm để nhờ mang thai hộ, còn một người vì không dám nên đến giờ không có con. “Việc cho phép mang thai hộ là rất nhân văn để những người gặp khó khăn về con cái có quyền có đứa con của mình” - bà Đặng Thị Kim Chi đề xuất.