Nhà văn Quỳnh Lê: "Trong những giấc mơ tôi luôn ở Hà Nội"

ANTD.VN -Tác giả Quỳnh Lê luôn nghĩ rằng văn chương là mấy con đường quạnh quẽ, từng tìm cách tránh né để làm những điều khác mà không được. Sáng tác thơ, dịch sách, viết văn... những mối duyên với văn chương cứ đến với chị bất ngờ từ thời thiếu nữ cho đến khi có hai con nhỏ. Bây giờ, văn chương là người bạn tâm tình với chị khi xa xứ, là cách thức chị dùng để chia sẻ, lan tỏa tình yêu quê hương Hà Nội, Việt Nam.

Nhà văn Quỳnh Lê: "Trong những giấc mơ tôi luôn ở Hà Nội" ảnh 1

Tác giả Quỳnh Lê

Từ nhỏ đã có “máu nghệ thuật”

Văn chương có mối liên hệ chặt chẽ với tác giả Quỳnh Lê kể từ khi còn rất nhỏ. Không nhiều người biết rằng, Quỳnh Lê may mắn sinh ra trong một gia đình có “máu nghệ thuật”.

Ông nội chị là nhạc sĩ Huy Thư – một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, bố chị là nhạc sĩ Huy Tiến, ngoài ra, tác giả Quỳnh Lê còn có một người chú chơi flute, hai người cô múa ballet... Bối cảnh “đầy ắp giai điệu” ấy đã trở thành một chất xúc tác khiến tác giả Quỳnh Lê say mê văn chương và âm nhạc.

Chị nhớ lại: “Hồi ấy mọi người nói rằng trẻ con đi theo những ngành, nghề nghệ thuật rất vất vả nên không hướng tôi theo. Tôi cũng không khuyến khích chính mình phải vươn tới”. Tác giả Quỳnh Lê lý giải, chị luôn cảm giác những người làm nghệ thuật là những người hay nhìn lại. Mà dường như những người hay soi chiếu ký ức và lôi kỷ niệm ra để sống là những người không tiến được về phía trước.

Đến tận sau này “dấn thân” vào văn chương, tung tẩy với con chữ, miệt mài dịch và viết, tác giả Quỳnh Lê mới nhận ra văn chương có thể là một thứ kết dính, nối chị với quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa.

Nhà văn Quỳnh Lê: "Trong những giấc mơ tôi luôn ở Hà Nội" ảnh 2

"Quê hương bé nhỏ" - một trong những tác phẩm được Quỳnh Lê chuyển ngữ được đông đảo độc giả đón nhận

Ở vai trò dịch giả, Quỳnh Lê ban đầu được độc giả biết tới với nhiều tác phẩm trinh thám đầy cuốn hút như: “Ác quỷ Nam Kinh” của Mo Hayder, “Đảo kinh hoàng và Dòng sông kỳ bí” của Dennis Lehane, “Xấu” của Natsuo Kirino, “Công chúa băng” của Camilla Lackberg. Mới đây, hai cuốn sách “Quê hương bé nhỏ” (Gael Faye) đoạt Giải Goncourt Thiếu niên 2016 và “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” (Nuage Rose – Hồng Vân) do chị chuyển ngữ sang tiếng Việt đã chinh phục nhiều độc giả bởi cái nhìn yêu thương, tình yêu quê hương và tuổi thơ trong trẻo.

Còn ở vai trò tác giả, Quỳnh Lê đã khơi gợi những ký ức về một Hà Nội thời bao cấp xa xôi, thời thơ ấu giản dị mà đầm ấm trong cuốn “San San chân to đi xốp”; nói lên tình yêu ở miền đất Congo loạn lạc ở “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ”; khắc họa cuộc sống nuôi dạy con nước ngoài, bình yên và luôn đầy ắp bao điều mới lạ qua “Pho Mát và Đậu bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ”.

Nhờ văn chương, đôi chân, suy nghĩ và tâm tưởng của Quỳnh Lê đã đặt ở nhiều vùng đất khác biệt. Do đó, thông điệp mà chị gửi gắm qua các cuốn sách đó là những quê hương trên trái đất này đều là nhỏ bé như những dấu chấm trên bản đồ, nhưng trong tim mỗi người, chúng mãi thôi thúc họ tìm về những kỷ niệm ấu thơ, về gia đình, về tình yêu đầu đời.

Nhà văn Quỳnh Lê: "Trong những giấc mơ tôi luôn ở Hà Nội" ảnh 3

 “San San chân to đi xốp” của nhà văn Quỳnh Lê hấp dẫn độc giả bởi những chi tiết giản dị, hóm hỉnh

“Căn bệnh” tương tư các thành phố

Mỗi khi nói về Hà Nội – quê hương yêu dấu, Quỳnh Lê thường lặng im một lát trước khi nói, đôi mắt chị mơ màng như đang kiếm tìm trong trí nhớ... Năm ấy, chị rời Việt Nam theo chồng sang Congo trong tâm trạng phấn khích bởi được bước ra thế giới bao la. Nhưng đến khi thực sự xa Hà Nội thì các ký ức lại luôn luôn dội về, quê hương trở lại liên tục trong những giấc mơ ban đêm và mộng tưởng ban ngày.

Ban đêm, trong những giấc mơ tôi luôn ở Hà Nội, chỉ khi thức dậy rồi thì mới nhận ra tôi đang ở một đất nước khác, một nơi hoàn toàn xa lạ. Hà Nội có điều gì để tôi nhớ? Đó là những ngõ hẻm thời thơ ấu, mùi hoa sữa; đó là tiếng rì rầm nói chuyện của các bà dì lúc ngồi nhặt rau, đó là Nhà thờ với những cánh cửa đầy bí mật... Và tôi nhớ bạn bè tôi, gia đình tôi” – Quỳnh Lê tâm sự.

Có lẽ bởi vậy, độc giả bắt gặp trong tác phẩm “San San chân to đi xốp” bao hình ảnh dung dị thời bao cấp với ông nội hiền từ, chú hàng xóm tốt bụng; mái nhà thấp những phiến gạch thô màu da cam, hôm mất điện cả phố kéo nhau bày giường gấp và ghế ngồi ra trước cửa hóng gió; quạt nan, quạt giấy bung ra như những cánh bướm dưới bầu trời đầy sao...

Hay, tác giả Quỳnh Lê chọn dịch “Quê hương bé nhỏ” vì nhà văn Gael Faye đã có cách diễn đạt chính xác về tình yêu quê hương mộc mạc, sâu lắng. Chẳng hạn, khi nhà văn Gael Faye đứng trong một trung tâm thương mại và thấy nó thật xấu xí, lý do là trung tâm thương mại thiếu hai cây xoài.

Là một bà nội trợ, thường trong những lúc chờ con tan trường, chờ chồng tan sở, hay một chiếc bánh vàng dần lên trong lò nướng… thì chị viết văn, dịch sách hăng say. Từ khi có con, chị càng có nhu cầu bức thiết hơn, muốn kể lại cho con quá khứ, tuổi thơ. Hai bé nhà chị, một bé sinh ra ở Thụy Sĩ, một bé sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Congo và Thụy Sĩ. Các bé đều không được ở quê nội và quê ngoại, Quỳnh Lê viết sách để kết nối con với quê hương Việt Nam.

Chị cho rằng, khi một đứa trẻ sống giữa các nền văn hóa như vậy thì sẽ có một cảm giác chơi vơi, nỗi nhớ gia đình, quê hương ở Việt Nam sẽ là một động lực để các bé có thể tự tin hơn khi bước vào cuộc sống sau này.

Hơn nữa, vì biết yêu Hà Nội, Việt Nam. Nên Hà Nội, Việt Nam cũng dạy Quỳnh Lê cách yêu những thành phố khác. Thành ra, chị mắc một “căn bệnh” lạ: tương tư các thành phố. Đôi khi là “ngoại tình” với các thành phố. Mỗi khi mình đến một thành phố, chị có một niềm hối thúc được tìm hiểu văn hóa, con người nơi đây. Khi ở thành phố này thì chị da diết thành phố khác: ở Thụy Sĩ nhớ cái nắng gay gắt, bờ sông, cây cối um tùm, côn trùng rả rích, âm nhạc... ở Kinshasa; khi ở Kinshasa lại nhớ da diết Hà Nội...