Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Không mong lời xin lỗi từ Nhà hát Kịch Việt Nam

ANTD.VN - Ngậm ngùi vì không có tên trong thành phần sáng tác (tác giả văn học) của vở kịch “Khát vọng”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã có những chia sẻ cùng Báo An ninh Thủ đô. 

- Vở kịch “Khát vọng” đã được đạo diễn Lâm Tùng (Nhà hát Kịch Việt Nam) dàn dựng cách đây 2 năm, nhưng sao đến thời điểm này, nhà văn mới lên tiếng?

- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi không được biết cụ thể. Chỉ lần này, vở gây được tiếng vang với 6 giải thưởng quốc tế, tôi mới biết việc mình không có tên trong thành phần sáng tạo của vở diễn (tác giả văn học). Nhưng dẫu sao, tôi vẫn chúc mừng thành công của nhà hát, đã tạo ra một tác phẩm thành công, vượt ra ngoài biên giới đất nước. Cho tới thời điểm này, tôi không lên tiếng cụ thể về vấn đề tác quyền, chỉ nói đây là vở kịch được chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của tôi. 

- Truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của ông đã được cố tác giả Tạ Xuyên chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Từ đó đến nay, ông đã mấy lần nhận được tiền tác quyền?

Khi tác giả Tạ Xuyên còn sống, vào năm 1995, ông đã đưa cho tôi 200 nghìn tiền bản quyền chuyển thể. Sau khi tác giả Tạ Xuyên mất, kịch bản đó được một vài nơi dựng lại, gần đây nhất là Nhà hát Kịch Việt Nam (2015). Nhưng tôi chỉ có một lần duy nhất được anh Tạ Xuyên trả tiền tác quyền. Còn từ đó đến nay, tôi không nhận được bất cứ khoản tiền tác quyền nào từ “Mùa hoa cải bên sông”.

Theo đúng luật, mỗi khi diễn vở đó, tác giả kịch bản lại được nhận nhuận bút tác quyền và tác giả văn học kịch bản đó cũng được phần trăm tiền tác quyền. Nhưng tôi không bao giờ nhận được và bản quyền Việt Nam vốn là như thế. Tôi rất chia sẻ, bởi người Việt Nam đang tập làm quen dần với việc trả tiền tác quyền. Hơn nữa, lâu nay, người Việt Nam sống nặng chữ tình. Có khi chỉ cần một lời xin thôi, tác giả sẽ cho luôn mà không cần vật chất. Nhưng các đơn vị sử dụng tác quyền phải có ý thức với việc đó. 

- Nếu đúng luật, Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở này, trách nhiệm trả tiền tác quyền thuộc về nhà hát hay cố gia đình tác giả Tạ Xuyên, thưa nhà văn?

Anh Tạ Xuyên mất rồi, đơn vị đó (Nhà hát Kịch Việt Nam) phải có trách nhiệm đối với tác giả truyện ngắn. 

- Vậy nhà hát Kịch Việt Nam phải làm như thế nào?

Nhà hát Kịch Việt Nam cần đến ký kết hợp đồng với nhà văn, trước khi bắt tay vào dàn dựng. 

- Ông có mong muốn gì từ Nhà hát Kịch Việt Nam?

Tôi có hai mong muốn. Thứ nhất, nhà hát sẽ tiếp tục có những vở diễn như vậy, không chỉ trong nước mà ngoài nước gặt hái được nhiều thành tựu, làm rạng danh cho sân khấu Việt Nam. Thứ hai, nhà hát cần chấp hành quy định về pháp luật của Nhà nước. Tôi mong muốn nhà hát sẽ tốt hơn không chỉ từ các vở diễn của họ, mà trong cách ứng xử văn hóa. Tôi không cần lời xin lỗi. 

- Nhà văn có lời nhắn gửi  nào đối với các nhà hát sau vụ việc này?

Trước hết, các nhà hát cần chấp hành Luật Bản quyền một cách nghiêm cẩn. Việc chấp hành pháp luật sẽ đưa đến ý thức tôn trọng văn hóa và tạo nên các sản phẩm nghệ thuật có chất lượng. Dù vở diễn đó chỉ diễn cho một người thì việc chấp hành luật bản quyền vẫn phải đầy đủ, không thể bừa bãi, tùy tiện. 

- Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện!

Đạo diễn Anh Tú, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Nhà hát đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tác quyền

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Không mong lời xin lỗi từ Nhà hát Kịch Việt Nam ảnh 3

“Khát vọng” ban đầu chỉ là một bài tốt nghiệp khoa Đạo diễn của anh Lâm Tùng. Nhưng sau khi ra mắt, nhận thấy vở diễn có nhiều điểm mới và thành công, Ban Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã đầu tư để vở diễn đứng trong danh mục biểu diễn của nhà hát và tham gia Liên hoan sân khấu thanh niên La Hồ tại Thẩm Quyến (Trung Quốc).

Vở diễn này được dàn dựng trên kịch bản sân khấu của cố tác giả Tạ Xuyên, chứ nhà hát không dựng từ truyện ngắn của anh Nguyễn Quang Thiều. Và chuyện tác quyền giữa tác giả Tạ Xuyên và nhà văn là chuyện của hai bên, Nhà hát không liên quan. 

Hơn thế, chỉ có tờ giới thiệu vở diễn đi Thẩm Quyến, do phải in cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc quá nhiều chữ, nên nhà hát đã không có tên nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong thành phần sáng tạo. Còn tất cả các buổi diễn trong nước, trước mỗi giờ khai màn đều có giới thiệu vở diễn được chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Về vấn đề tác quyền, nhà hát đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị dựng vở đối với gia đình cố tác giả Tạ Xuyên. 

Từ ngày vở còn là bài tốt nghiệp đến các buổi diễn chính thức, đạo diễn Lâm Tùng và nhà hát đều mời rất trịnh trọng nhà văn Nguyễn Quang Thiều đến xem nhưng nhà văn đều bận và không tới dự. 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Không mong lời xin lỗi từ Nhà hát Kịch Việt Nam ảnh 4

Nhà văn, nhà biên kịch Xuân Đức: Nhà hát không có nghĩa vụ thực hiện tác quyền đối với nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Về quyền lợi kinh tế, tác giả văn học như nhà văn Nguyễn Quang Thiều được hưởng 20% nhuận bút của kịch bản. Tác giả truyện ngắn không phải đồng tác giả kịch bản mà chỉ là người cung cấp chất liệu. Do vậy, nhà hát dựng vở chỉ có nghĩa vụ trả tiền tác quyền cho anh Tạ Xuyên, mà không phải trả tiền tác quyền cho anh Quang Thiều.

Vậy lỗi ở đây chủ yếu liên quan tới gia đình cố tác giả Tạ Xuyên. Tuy nhiên, nếu trên kịch bản gia đình đưa cho nhà hát có ghi chuyển thể từ truyện ngắn của anh Quang Thiều, thì đáng ra, khi trả nhuận bút cho gia đình tác giả hoặc trong điều khoản hợp đồng, nhà hát nên ghi rõ quyền lợi tác giả văn học cho tác giả kịch bản biết, hoặc thông báo cho anh Quang Thiều biết, vì có khi gia đình Tạ Xuyên không hiểu luật.