Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nguyễn Trọng Tạo không thể chết được!

ANTD.VN - Tang lễ nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã diễn ra trong một ngày Hà Nội mưa rét. Cái rét tưởng chừng như cắt da cắt thịt ấy đã không ngăn được những bước chân của đông đảo bạn bè, thân bằng cố hữu quần tụ bên Nhà tang lễ Quốc gia, để tiễn đưa người nghệ sỹ tài hoa về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau chuỗi ngày đấu tranh với căn bệnh ung thư phổi quái ác, ông đã trở về với dòng sông quê hương, để lại nỗi tiếc thương và sự mất mát không dễ gì khỏa lấp cho nền thi ca và âm nhạc Việt Nam.

Có mặt từ rất sớm tại nhà tang lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa không giấu được sự xúc động trong buổi chia ly với người anh mà ông hằng ngưỡng mộ. Ông cho biết, sự ra đi của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo là rất đột ngột. Mặc dù, ông biết, thế nào cũng có cái ngày này nhưng sao nó lại xảy ra một cách vội vã như thế. Nhà thơ Trần Đăng Khoa biết, Nguyễn Trọng Tạo đã một lần đột quỵ.

“Tôi vào thăm anh, giọng anh sang sảng, anh còn nói “anh không chết được đâu em ạ”. Thế và, tôi cũng nghĩ như thế, Nguyễn Trọng Tạo không thể chết được bởi sức sáng tạo của ông vẫn còn rất dồi dào. Đây là 1 tài năng đa dạng, anh làm thơ, anh viết phê bình, anh làm nhạc. Trong đó, nhạc là đắc địa hơn cả” - nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo là người đặc biệt. Sự ra đi của ông rất đáng tiếc. Những người yêu thơ, yêu nhạc vẫn đang rất chờ đợi ông, vẫn đang mong đợi các sáng tác của ông. “Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ ra đi nhưng tại sao lại là nguyễn Trọng Tạo. Đây là điều đáng tiếc, không chỉ với Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam mà còn với công chúng yêu nghệ thuật, một tổn thất không dễ gì bù lấp” -  nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

 Còn với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông luôn nhìn thấy ở con người Nguyễn Trọng Tạo sự say mê và đắm chìm trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, ông đã ra đi nhưng những giai điệu trong các ca khúc của ông và những câu thơ của ông vẫn vọng trong đời sống của con người Việt hiện nay. Chính vì thế, ông làm chúng ta nhớ ông nhiều hơn, thương nhớ ông nhiều hơn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Đặc biệt, khi nghe tin Nguyễn Trọng Tạo mất, trên mạng xã hội ngập tràn những lời bày tỏ thương tiếc, đăng những bài thơ của ông đã sáng tác, những ca khúc ông đã sáng tác. Không chỉ có những đồng nghiệp của ông mà còn có những người chưa từng gặp ông. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo không chỉ là nghệ sỹ, ông còn là nhà hoạt động xã hội. Chính ông là người hòa hợp của con người sáng tạo, con người hoạt động xã hội và một công dân. Tác phẩm của ông gần gũi từ bài thơ, bài báo, ca khúc… làm cho ông là người đứng giữa những người khác để đấu tranh cho những gì tốt đẹp nhất của con người Việt Nam.

Những giọt nước mắt, những câu chuyện kỷ niệm, những vần thơ dang dở... được bạn bè của ông chia sẻ trong cuốn sổ tang. Người bạn thân thiết của Nguyễn Trọng Tạo, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha viết: “Người lãng du đã dừng bước phiêu du/ Suốt một đời giang hồ lang bạt/Thôi chào nhé bốn mươi năm gắn chặt/Chợt một ngày mưa cách biệt âm dương”.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh ghi lời từ biệt người bạn già trong cuốn sổ tang

Còn nhà văn Trung Trung Đỉnh nhớ người bạn già: “Sau đêm thơ nhạc Nguyễn Trọng Tạo hoành tráng và ấm áp tại Hà Nội năm 2017, Tạo về quê giỗ mẹ, làm xong ngôi nhà thờ cúng cụ thì không may bị tai biến ngã sập một cái, tưởng đi! Nhưng sau đó Tạo gượng dậy được, còn nói vui với tôi: “Số giời bảo chưa vội đi”. Giờ Tạo lại đi thật”.

Ca sĩ Tùng Dương cũng bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của người nghệ sĩ tài hoa. “Vẫn biết là quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng nghe tin nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ra đi, tôi không khỏi thấy đột ngột và thương xót cho một người nghệ sĩ tài hoa. Ông là người nhân văn, yêu cái đẹp, hết lòng ủng hộ các nghệ sĩ trẻ.