Nhà thơ Lê Minh Quốc: Vì một tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Văn Việt vỗ về vương với vấn”, “Tiếng ta thanh thoát thiết tha thương”… những câu thơ của nhà thơ Lê Minh Quốc đăng trong bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) như phản ánh tình yêu và tâm huyết của tác giả dành cho tiếng Việt.

“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời” (P.D), đó là một lẽ bẩm sinh tất nhiên của mọi con dân nước Việt được hình thành ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Trải qua năm tháng, thăng trầm lịch sử thì thế hệ nào cũng yêu, cũng tự hào về tiếng Việt. Mỗi người có cách thể hiện về tình yêu đó như chính máu thịt của mình” - nhà thơ, nhà văn, nhà báo Lê Minh Quốc nói trong cuộc trò chuyện với An ninh Thủ đô Cuối tuần nhân dịp bộ sách gồm 3 cuốn của ông được ấn hành vào trung tuần tháng 12-2021.

Bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” gồm ba tập: “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ”, “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo” và “Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm”

Bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” gồm ba tập: “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ”, “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo” và “Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm”

Tiếng Việt đa dạng và duyên dáng

- Phóng viên: Là người đọc, tôi nhận thấy sự duyên dáng, dí dỏm, trào lộng xuất hiện ngay từ tựa 3 tập sách đến nội dung bên trong. Phải chăng sự hài hước trong ngôn ngữ là một trong những đặc tính quan trọng và thú vị bậc nhất của tiếng Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung?

- Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Lê Minh Quốc: Với 3 tập sách này, tôi đã chứng minh trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ ăn, ăn mặc, ăn nói, ăn chơi, ăn ở đến cười chơi, với người Việt đều có nhiều sắc thái, gam màu khác nhau. Trong đó, không thể thiếu cách nói bông lơn, tiếu táo gây cười… Thật lạ, có thể nói là tiếng cười đã bao trùm và hiện diện trong sinh hoạt hàng ngày, thậm chí ngay cả lễ nghi, hội hè, đình đám nữa, nếu cần thì tiếng cười cũng xuất hiện. Ta lý giải ra làm sao? Nhà phê bình nổi tiếng Tam Ích (1915-1972) quả quyết trên tạp chí Văn học số 128 (tháng 5-1971) rằng: “Mỗi khi dân tộc Việt Nam cười trong ca dao là cái cười có 2 tác dụng. Một là quên đi cái đau xót của đời sống. Hai là cười để giấu đi cái khóc”.

Còn trong quyển vui cười “Ăn tục nói phét” (NXB Sống Vui - 1972), nhà báo Tám Sạc Ne cho rằng: “Thật sự người ta cười để mà sống, và sống để mà cười” hay “Người Việt vốn khôi hài. Thích cười. Ai ai cũng khoái được há miệng ra cười”… Vẫn chưa đủ, tôi còn muốn bổ sung thêm, không chỉ có thế, đôi khi người ta cười, đơn giản chỉ vì thích cười, muốn được cười thư giãn lúc lao động trên đồng cạn dưới đồng sâu, giã gạo đêm trăng, chèo đò… Qua đó, cũng là dịp họ có cớ trao duyên, đùa nghịch, châm chọc nhằm có dịp cười phá lên vui vẻ quên đi mệt nhọc. Thôi thì, dù có thế nào đi nữa, cũng cười lên một tiếng cho vui. Nghiên cứu về văn hóa Việt, nếu không đề cập, không nhìn thấy tiếng cười ẩn náu trong lời ăn tiếng nói đa tầng, nhiều ngữ nghĩa, xem như một thiếu sót trầm trọng.

Tác giả Lê Minh Quốc ra mắt bộ sách“Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”

Tác giả Lê Minh Quốc ra mắt bộ sách“Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”

- Ông nghĩ gì về sự khác biệt và đa dạng ngôn ngữ vô cùng lý thú ở các vùng miền, địa phương trên cả nước?

- Bất kỳ vùng miền nào cũng có thổ âm, thổ ngữ. Nhưng các vốn từ đó không biệt lập mang tính khu vực, địa phương, mà nó đồng hành với tiếng nói phổ thông của toàn dân. Nói như thế mới đầu nghe vô lý phải không? Ví dụ có những từ phổ biến ở vùng này, nhưng cư dân nơi khác không thể hiểu tường tận hoặc chỉ hiểu đại khái. Vậy vấn đề đặt ra là gì? Theo tôi, điều cần kíp hiện nay là cần có thêm nhiều từ điển giải thích phương ngôn, phương ngữ của từng vùng miền.

“Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt. Khi ta giữ và yêu nó cũng là một cách để thể hiện tấm lòng yêu non sông gấm vóc”

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc

Tất cả lời ăn tiếng nói của bất kỳ vùng đất nào, từ Nam chí Bắc, cũng góp phần làm phong phú, đa dạng, linh hoạt cho vốn từ tiếng Việt. Vì thế, một khi nói “học tiếng Việt” cũng còn hàm ý ngoài tiếng Việt cổ còn dấu vết trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Nếu không học, không biết thì ta sẽ không giải thích đúng “di sản tiếng Việt” do ông cha để lại. Địa danh nào, vùng đất nào, tiếng nói cư dân nào trong non sông nước Việt lại không là hồn cốt dân tộc?

Tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt

- Động lực nào giúp ông thực hiện quá trình dài tiếp xúc, ghi chép, sưu tầm và ra sách về tiếng Việt?

- Việc làm của tôi cũng là một cách thể hiện như bao người khác là cùng đồng cảm, đồng điệu về tiếng Việt. Và như tôi đã tâm tình trong lời nói đầu của bộ sách: “Việc làm này được thực hiện do động lực duy nhất: Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt”. Một tình yêu dành cho tiếng Việt, tìm về nguồn gốc tiếng Việt của bất kỳ ai cũng là đóng góp đáng quý như nhau và cần có sự tiếp sức, trân trọng nhau. Qua bộ sách, tôi muốn chia sẻ một niềm tin, một sự xác tín không bao giờ thay đổi: “Mặc kệ bão giông/ Chen âm sắc lạ/ Lấn lướt từng ngày/ Đau lòng buốt dạ/ Vững tin người ơi/ Không gì xô ngã/ Tiếng Việt mãi còn…”.

- Và do thế, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu và viết về tiếng Việt?

- Có nhiều từ tiếng Việt vì nhiều lý do có thể thế hệ chúng ta không thể hiểu tường tận, có những từ mất đi và có thêm những từ mới bổ sung. Vì thế, gần 10 năm nay tôi đã miệt mài đi tìm. Và tôi sung sướng nhận ra rằng, trải theo năm tháng, các từ dùng để chỉ sự vật/sự việc đã có thay đổi. Nhưng dù thay đổi thế nào thì nó cũng phản ánh cách ăn nói lịch lãm, uyển chuyển, sâu sắc của người Việt.

Tất cả điều này cũng cho thấy tiếng Việt tràn đầy sức sống, thừa khả năng biến hóa, kể cả tiếp cận, tiếp nhận thêm vốn từ nước ngoài để có thể đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Trên cơ sở nêu trên, nay tôi vẫn tiếp tục viết thêm, vì không một ai cũng có thể khảo sát hết vốn từ đã từng hiện diện trong quá khứ. Khi bắt tay khảo sát một từ nào đó, tôi luôn tâm niệm rằng, nghệ thuật sử dụng vốn từ trong giao tiếp lẫn nếp ăn, lối ở, cách mặc, bao giờ cũng phản ánh giá trị văn hóa của dân tộc. Vậy, việc làm của mình là một đóng góp chung như nhiều người đi trước đã tâm huyết thực hiện. Và tôi vững tin bước tiếp.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng. Ông từng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia (1977-1983). Từ năm 1988, Lê Minh Quốc làm việc cho Báo Phụ nữ TP.HCM, là cây viết về văn học nghệ thuật và giữ chức Trưởng ban Văn hóa văn nghệ tờ báo này nhiều năm liền. Trong lĩnh vực sáng tác, Lê Minh Quốc là tác giả của khoảng 40 đầu sách, đã xuất bản nhiều thể loại như thơ, tiểu thuyết, tùy bút, biên khảo…