Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt cuốn hồi ký "40 năm - Đi, yêu và viết"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng ngày 17/6, buổi ra mắt cuốn hồi ký của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - "40 năm - Đi, yêu và viết" đã diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).

"40 năm - Đi, yêu và viết" là cuốn hồi ký nghề báo ra mắt nhân dịp kỷ niệm hành trình 40 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn, giảng văn báo chí Huỳnh Dũng Nhân.

Từ năm 2015, khi nghỉ hưu, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã luôn ấp ủ mong muốn được được lưu giữ những kỉ niệm, những kinh nghiệm được coi như như “của để dành” ông có được sau hơn 4 thập kỉ làm báo của mình. Ông đã hoàn thành nguyện vọng này bằng việc dồn hết tâm huyết vào 4 chương sách “40 năm - Đi, yêu và viết”.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại buổi ra mắt cuốn hồi ký

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại buổi ra mắt cuốn hồi ký

Chương I: Ký ức. Con đường vào nghề của ông (thời niên thiếu, thời học khoa văn, khoa báo chí, thời bắt đầu viết văn thơ, thời làm báo Tuổi trẻ, báo Lao động, làm Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, làm Phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam).

Chương II: Một số phóng sự nổi bật của tác giả.

Chương III: Phần các bài viết của tác giả thuộc lĩnh vực lý luận báo chí đang được bạn đọc quan tâm.

Chương IV: Bài của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng viết về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Tất cả các bài viết đều lồng ghép đan xen phân tích các yếu tố nghề nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng... Bạn đọc có thể tìm thấy ở đó những bài học nghiệp vụ cụ thể và bổ ích nhất.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, viết hồi ký không khó mà lựa chọn những gì để viết mới khó, trong khi ông lại có quá nhiều chuyện muốn nói. Đang bắt tay soạn bản thảo cho tập sách này thì tháng 4/2021, ông bất ngờ bị tai biến, phải ngưng công việc lại một thời gian, bây giờ vẫn bị yếu bàn tay trái, chỉ gõ laptop được những ngón tay phải, nên ông phải viết cả bằng điện thoại, song Huỳnh Dũng Nhân vẫn quyết tâm thực hiện cuốn sách này.

" Tôi viết để cho tôi, cho gia đình tôi, cho bạn bè tôi. Năm nay, tôi gần 70 tuổi, tôi viết kẻo không kịp. Tôi chỉ muốn kể lại câu chuyện làm báo đầy thăng trầm 40 năm qua của mình. Biết đâu cũng có người nhặt nhạnh được chút kinh nghiệm làm báo từ đây", tác giả khẳng định.