Nguyện vọng của dân

ANTĐ - Nhân sự là vấn đề được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Song người dân quan tâm hơn cả vẫn là những chuyện “sát sườn” liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày. Lạm phát sẽ được kiềm chế ra sao? Đời sống có bớt khó khăn hơn không? Liệu giá cả có chững lại và giảm xuống hay không? Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, nếu chỉ họp bàn về nhân sự, thì có lẽ chưa “phải” với dân, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Ý kiến trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều chủ nhiệm các ủy ban Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm. Các giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm. Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế. Mặc dù sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm cho các chức danh cao nhất của Nhà nước, ngay trong ngày đầu của kỳ họp thứ nhất này, các báo cáo tình hình đất nước 6 tháng đầu năm và những giải pháp cho 6 tháng cuối năm sẽ được trình bày trước nhân dân cả nước.

Đánh giá sau 4 tháng triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những điểm sáng trên “bức tranh” kinh tế 6 tháng là thị trường ngoại hối và tỷ giá khá ổn định. Tỷ giá ổn định đã góp phần làm tăng lòng tin của xã hội vào triển vọng phục hồi kinh tế. Các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được tập trung triển khai như hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo đúng quy định; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo… Tuy vậy, mối lo lắng của Ủy ban Kinh tế về tình hình ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa giảm, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) còn ở mức rất cao, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo, chiếm khoảng 22,1% số hộ dân cả nước. Đầu tháng 7, Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra dự báo CPI của tháng này chỉ tăng dưới 1% so với tháng trước. Thế nhưng, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, dự báo này đã bị sức ép tăng giá của mặt hàng thực phẩm tươi sống “đánh đổ”.

Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng, vốn đầu tư bị hạn chế vì lãi suất ngân hàng quá cao, cộng với tâm lý sợ thiệt hại do dịch bệnh gia súc đã khiến nhiều hộ không dám nuôi lợn dẫn đến nguồn cung hạn chế, đẩy giá thịt lợn, bò, gà tăng cao. Giá rau củ tươi cũng tăng khoảng 5-15%. Do mặt hàng thực phẩm chiếm hơn 16% trong “rổ” hàng tiêu dùng thiết yếu, nên sức tăng của mặt hàng này chắc chắn sẽ đẩy CPI tháng 7 vượt qua dự báo. Bên cạnh những nguyên nhân đẩy CPI tăng, thì yếu tố chủ quan bắt nguồn từ nội tại nền kinh tế như thâm hụt thương mại lớn, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp… được đánh giá là nguyên nhân chính. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chia sẻ, khi khảo sát thực tế tại một số địa phương, tiếp xúc trực tiếp với một số doanh nghiệp cho thấy, mặc dù kinh tế vĩ mô đã chuyển biến theo hướng tích cực, một số lĩnh vực có dấu hiệu trở lại quỹ đạo ổn định, nhưng tình hình kinh tế nửa cuối năm nay còn không ít khó khăn thách thức.

Kỳ họp thứ nhất chỉ diễn ra trong vòng 14 ngày, song Quốc hội vẫn dành thời gian thảo luận kỹ lưỡng về kinh tế - xã hội. Nguyện vọng của người dân gửi gắm vào Quốc hội vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển, tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, quyết tâm cao của Chính phủ mới.