Nguy cơ rừng sạch chào mào vì “bay” hết về phố

ANTĐ - Tình trạng vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt chim chào mào đang diễn ra rầm rộ khắp các làng quê, trên đường phố. Nếu như các loài chim khác, người nuôi chơi cho thỏa thú vui, thì chim chào mào lại trở thành hàng hóa, bày bán tự do mà chưa thấy cơ quan chức năng nào “dòm ngó”.

Khoảng một năm trở lại đây, tình trạng buôn bán chim chào mào diễn ra rầm rộ hơn bao giờ hết. Chịu khó quan sát, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những người vận chuyển chim tự do bằng lồng sắt với số lượng hàng trăm con trên đường, hoặc nuôi nhốt thành bầy đàn bày bán công khai trên mặt phố. Một người bán chim chào mào ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa (Phú Yên), gần khu vực phía Bắc cầu Đà Rằng cũ cho hay, thời gian gần đây chim chào mào bỗng dưng được những người nuôi chim cảnh thích thú vì tiếng hót thánh thót, lạ và đẹp hơn các loài chim khác vì trên đỉnh đầu có mào, phần lông dưới đuôi có màu đỏ đẹp mắt.

Tìm hiểu được biết, chim chào mào chủ yếu vận chuyển về Phú Yên từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, được các thương lái bán với giá từ 100.000-120.000 đồng/con. Trong khi đó, chim có xuất xứ từ các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên có giá từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/con. Theo những người chơi chim chuyên nghiệp, chào mào ở Phú Yên nổi tiếng vì dễ thuần, tiếng hót hay và hấp dẫn hơn chim ở các tỉnh khác nên có giá trị cao. Đặc biệt, nếu chim chào mào có bộ lông trắng, giá lên đến từ 30-40 triệu đồng/con, thậm chí cả trăm triệu đồng nếu có bộ lông trắng toàn phần, hoặc chỉ cần một cái móng chân chim màu trắng cũng có giá trên dưới 10 triệu đồng/con.

Anh N.V.B quê ở huyện Đồng Xuân vừa mua một con chào mào ở một góc phố Tuy Hòa với giá 120.000 cho hay: “Trước đây không mấy ai để ý đến chim chào mào, nhưng không hiểu sao thời gian gần đây lại nhiều người ưa thích đến thế. Thấy nhiều người nuôi, tôi cũng mua một con treo trước sân, có tiếng chim hót cho vui nhà, vui cửa”.

Một điểm mua bán chim chào mào ở xã Bình Ngọc,
TP Tuy Hòa gần khu vực phí Bắc cầu Đà Rằng cũ

Thực trạng tự do vận chuyển, mua bán, nuôi nhốt bầy đàn chim chào mào đang diễn ra rầm rộ khắp nơi từ thôn quê đến thành thị. Có điều là người ta không nhử bẫy thông thường như các loài chim khác, mà dùng bẫy rập, mỗi lần bắt cả hàng chục con chào mào rồi đem bán cho các tư thương, tự do vận chuyển, bày bán khắp các tỉnh thành trong nước. Theo giới nuôi chim, tại Phú Yên, chào mào nhiều và hót hay nhất thường ở các khu rừng thuộc huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Thời gian gần đây rất nhiều người dân thành phố đổ xô vào rừng rập bắt chào mào. Có người còn mang theo lương thực, thực phẩm “phục” trong rừng cả tháng trời để “săn” lùng chào mào trắng, vì theo họ là hàng “độc” được nhiều người chơi chim ở các thành phố lớn đặt mua với giá cao. Một người nuôi chim cho biết thêm, hiện chào mào lông trắng ở Phú Yên còn rất ít và có nguy cơ bị tuyệt chủng vì khoảng một năm nay chưa hề nghe ai bắt được con nào. Loài chào mào lông trắng, nhất là trắng toàn phần và có nhúm lông đỏ ở vùng mắt thường sinh sống trong rừng sâu riêng lẻ và ít khi xuất hiện nên may mắn lắm mới bắt gặp, chứ đừng nói gì đến săn bắt.
Theo Nghị định số 32 ngày 30/3/2006 của Chính Phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định: “…Nghiêm cấm chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I B và Nhóm II B từ tự nhiên và sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại. Tổ chức, cá nhân chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại phải có đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp...”.

Trong khi đó việc tự do săn bắt, mua bán, vận chuyển chim chào mào số lượng lớn diễn ra rầm rộ, công khai trên diện rộng trong thời gian dài mà chưa thấy cơ quan chức năng nào có trách nhiệm kiểm ra, xử lý. Thực trạng trên không những dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng loài chim này, mà còn là mầm mống nguy hiểm lan truyền dịch bệnh gia cầm trên diện rộng. Vì vậy, các ngành kiểm lâm và thú y cần có trách nhiệm kiểm tra, xử lý.