Nguy cơ cháy nổ từ các điểm trông giữ xe: Vừa gửi, vừa lo

ANTĐ - Sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà để xe trong khu tập thể của Bộ Giáo dục - Đào tạo, phường Giảng Võ, quận Ba Đình gây thiệt hại lớn về tài sản, phóng viên Báo ANTĐ đã khảo sát một số điểm trông giữ xe tại các khu tập thể trên địa bàn Hà Nội và không khỏi giật mình trước tình trạng mất an toàn ở những khu vực này…

Nguy cơ cháy nổ từ các điểm trông giữ xe: Vừa gửi, vừa lo ảnh 1
Những điểm trông giữ xe tại các gia đình tầng 1 trong các khu tập thể như thế này khá phổ biến

Nhan nhản điểm trông giữ xe Chiều 5-6, có mặt tại khu nhà B7- Tập thể Thành Công - phường Thành Công, quận Ba Đình chúng tôi thấy từng dãy xe máy xếp chật cứng trên lối vào khu nhà. Hầu hết khoảng không gian dành cho việc đi lại của người dân đã bị một số hộ sinh sống tại tầng 1 tận dụng làm nơi trông giữ xe máy, xe đạp. Được biết khu nhà B7 có hàng trăm hộ dân sinh sống. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản thì số lượng xe của các hộ có thể lên đến con số hàng trăm. Trong khi đó, hiện trên địa bàn Hà Nội nhiều khu tập thể cũ có tuổi thọ hàng chục năm, khi xây dựng và thiết kế những khu tập thể này, người ta không tính đến việc xây nhà để xe. Chính vì vậy, hầu hết những hộ dân sống ở tầng dưới đều tận dụng diện tích tầng một và một phần diện tích ở làm nơi trông giữ xe cho các hộ ở tầng trên. Khi chúng tôi hỏi người dân trong trường hợp có hoả hoạn xảy ra, đơn vị cứu hoả làm thế nào để di chuyển phương tiện cứu nạn trong diện tích chật chội như vậy thì chỉ nhận được câu trả lời “cháy thì đã có cứu hoả”. Ông N.H.H - một người dân sống tại tầng 4 khu nhà B7 cho hay, gia đình ông có 6 nhân khẩu và có 4 chiếc xe máy. Do sống ở tầng cao nên ông phải gửi xe tại tầng 1. Mặc dù biết diện tích đi lại và khoảng không gian chung đã bị các hộ tận dụng làm chỗ trông giữ xe, nhưng ông H và các gia đình ở trên tầng cao đành phải chấp nhận. Bởi lẽ, nếu họ không đồng ý thì họ cũng không biết phải gửi xe ở đâu. Ông H chia sẻ: “Sau khi biết thông tin vụ hoả hoạn xảy ra tại nhà để xe khu tập thể Bộ Giáo dục - Đào tạo, tôi rất hoang mang, lo lắng, bởi hiện nay chỗ để xe tại nơi tôi ở và nhiều khu tập thể khác trên địa bàn Hà Nội rất chật chội. Do những điểm trông giữ xe tại đây đều được người dân ở tầng dưới tận dụng, không có phương tiện PCCC. Chỉ cần một tác nhân nhỏ là sự cố cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào…”. Phần lớn những điểm trông giữ xe tại các khu tập thể hiện nay là tự phát, do các hộ gia đình đứng ra tự tổ chức. Ngay tại khu B6 - tập thể Thành Công, tất cả khoảng không gian chung như chân cầu thang, sân chơi… đều được các hộ dân tận dụng làm nơi để xe. Chị N.T.T, một người dân sống tại đây than phiền, nhiều gia đình biến sân chơi chung cho trẻ em thành nơi bán hàng ăn, đun nấu và trông giữ xe. Sự bất cẩn có thể biến những chiếc xe thành tro.  Dạo một vòng qua các khu tập thể ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình chúng tôi thấy xen giữa các tòa nhà là những khoảng sân chơi khá rộng. Tuy vậy, phần lớn diện tích của sân chơi đã biến thành nơi trông giữ xe cả ngày lẫn đêm. Bà Nguyễn Thị Thanh - một người dân sống tại khu vực cho biết, vào ban ngày, người già và trẻ em muốn xuống sân chơi tập thể dục, đá bóng cũng khó vì sợ va vào xe máy. Đây cũng là nguyên nhân khiến môi trường tại khu vực thường xuyên bị ô nhiễm bởi tiếng ồn và mùi xăng xe. Còn vào ban đêm, xe hầu hết được nhồi nhét vào những hộ nhận trông giữ xe ở tầng 1. 
Nguy cơ cháy nổ từ các điểm trông giữ xe: Vừa gửi, vừa lo ảnh 2
Lối đi chung biến thành nơi trông giữ xe
Xử lý nghiêm để tránh hậu quả đáng tiếc
Không chỉ chiếm dụng khoảng sân chơi chung mà nhiều gia đình ở tầng 1 các khu nhà còn tận dụng mọi ngóc ngách trong nhà mình để trông giữ xe máy. Tại một hộ nhận trông giữ xe dưới tầng 1, nhà D3 khu tập thể Giảng Võ, ngoài việc cho một cá nhân thuê bán hàng khô, chủ nhà còn nhận trông xe cho khách vãng lai và các hộ dân sinh sống trong tòa nhà. Vào thời điểm đông khách, xe máy xếp san sát khiến lối ra vào bị thu hẹp. Ông L.Đ.H – sống tại nhà D3 chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày đêm, một hộ nhận trông xe kiếm được từ 300.000 - 400.000 đồng nên việc họ tận dụng diện tích tối đa để làm dịch vụ cũng là điều dễ hiểu. Chỉ khổ cho khách gửi xe và người dân sống trong tòa nhà lúc nào cũng trong tình trạng lo nơm nớp, chỉ sợ cùng lúc mấy chục bình xăng phát nổ thì hậu quả sẽ khôn lường”. Về các quy định liên quan đến các điểm trông giữ xe, Luật sư Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 14 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định: Trong trường hợp nhà trông giữ xe “làm thay đổi tính chất sử dụng của công trình” (mới tổ chức trông giữ xe) thì chủ đầu tư phải có các giải pháp thiết kế phù hợp, như: “Địa điểm xây dựng công trình bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh; hệ thống thoát nạn gồm cửa, lối đi, hành lang, cầu thang chung, cửa, lối đi, cầu thang dành riêng cho thoát nạn, thiết bị chiếu sáng và chỉ dẫn lối thoát, thiết bị thông gió và hút khói, thiết bị cứu người, thiết bị báo tín hiệu bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy; hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy…”. Với các trường hợp nhà trông giữ xe “không làm thay đổi tính chất sử dụng của công trình” (từ trước đến nay công trình vẫn là nơi trông giữ xe), cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần kiểm tra để xác định chủ đầu tư công trình đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định chưa (như phải có giấy phép xây dựng đối với các loại công trình buộc phải có giấy phép). Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc tiếp theo, các cơ quan chức năng cần sớm phối hợp với chính quyền các địa phương – đặc biệt là những địa bàn tập trung nhiều khu tập thể cũ tăng cường công tác kiểm tra các điểm trông giữ xe tư nhân và xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm (không được cấp phép, không có trang thiết bị PCCC, hệ thống điện không đảm bảo, để xe lấn chiếm lối thoát nạn...), tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.