Tác giả Rosie Nguyễn:

Người trẻ bị nhốt trong những chiếc lồng quá chật

ANTD.VN - Cũng là một người “nghiện” đi du lịch, đặc biệt là đi “phượt”, nhưng Rosie Nguyễn không tô vẽ hay cường điệu về trào lưu du lịch “bụi”. Những trang sách của chị hướng về những giá trị căn bản của cuộc sống, truyền cảm hứng cho giới trẻ - những người từng băn khoăn và lạc lối khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. 

Du lịch không phải ảo tưởng

Thông thường những cô gái ưa dịch chuyển thường bị gán cho những mác nào là nổi loạn, là bất chấp vì họ được cho là tôn thờ quá mức lối sống tự do nghiêng về hưởng thụ. Thực tế đã từng có những “phượt thủ” sa chân vào việc đi nhiều để kiếm thành tích, hay để khoe khoang hơn là tích lũy kiến thức, trải nghiệm cuộc sống. Nhưng với Rosie Nguyễn nếu đã gặp, hoặc đọc sách của chị thì không có cảm giác như vậy.

Đã từng có kinh nghiệm đi đến gần 20 quốc gia, từng đúc kết trong cuốn cẩm nang về du lịch bụi “Ta ba lô trên đất Á”, nhưng Rosie Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên) là người rất thực tế. Chị lớn lên ở vùng nông thôn miền Trung Quy Nhơn bình dị, suốt ngày quanh quẩn với những trò chơi lò cò, ô ăn quan  với lũ trẻ hàng xóm. Mỗi khi nghe thấy tiếng động cơ rì rầm của máy bay trên bầu trời, chị lại ngước mắt lên. Và khi chiếc máy bay chỉ còn là chấm nhỏ xíu, chị lại ước ao một lần được bay trên bầu trời xanh vô tận.

Trưởng thành từ Đại học Ngoại thương - ngôi trường danh giá nhưng chưa thể dạy đủ cho chị những điều cần biết về cuộc sống, chị kiếm tìm những giá trị mới bằng những công việc không mấy gò bó như viết lách, làm giảng viên các lớp học kỹ năng, huấn luyện viên Yoga và đặc biệt từ những hành trình du lịch “bụi”. Từng nhiều đêm ngủ lê lết ở sân bay, từng tìm ở nhờ nhà những người xa lạ, gặp phải những tai nạn bất trắc mà thầm ước giá mình có được sự chuẩn bị tốt hơn, chị coi đó là những bài học cần thiết để người đi du lịch “tỉnh mộng” và có cái nhìn rõ hơn về thế giới xung quanh. 

Rosie Nguyễn chia sẻ, khi cơn sốt du lịch “bụi” trở nên nóng là khi chị đã nhìn thấy những người trẻ quanh mình “hướng lòng về những con đường, đau đáu trông chờ những chuyến đi xa, khát khao lấp đầy cuộc sống của mình bằng những trải nghiệm”. Bản thân chị cũng từng thấy đâu đó trong mình những biểu hiện của chứng “bệnh” ấy. Nhưng rồi sau đó, chị cũng như họ, đều cảm thấy trống rỗng và lạc lối, cảm thấy như thiếu cái gì đó trong cuộc đời này.

Sau nhiều năm bôn ba, làm bạn với những con đường, Rosie Nguyễn cho rằng, cái tốt nhất để người đi du lịch thỏa mãn với chính bản thân là chỉ coi “đi là phương tiện chứ không phải mục đích”. Đi để rồi một lúc nào đó phải trở về với mái nhà, với quê hương, để quay lại chia sẻ những gì mình học được, đem lại giá trị, đóng góp và cống hiến cho đời. Đó chính là những trải nghiệm mà một người đi du lịch chân chính nên có.  

Người trẻ bị nhốt trong những chiếc lồng quá chật ảnh 2Cuốn sách truyền cảm hứng cho người trẻ thoát khỏi cái lồng bao bọc của mẹ cha

“Rời sách là đời tôi... đi xuống”

Rosie Nguyễn tâm sự, chị sinh ra trong một gia đình không lấy gì làm dư dả về vật chất, nhưng chưa bao giờ thiếu thốn về tinh thần. Gia tài của cô gái 29 tuổi là sách. Căn nhà cũ của chị là nơi chất đầy những cuốn sách thời niên thiếu của bố mẹ. Tuy nhiên, vì nhà nghèo nên chị không có tiền mua sách, chỉ mua những cuốn nào thực sự cần thiết. Có một kỷ niệm khiến chị nhớ mãi, đó là khi mẹ dùng số tiền bán xoài cả ngày trời để mua cho chị một cuốn sách học văn. Hai giỏ xoài mới đổi lại được một cuốn sách. Đến giờ, sau hơn chục năm, chị vẫn nhớ khuôn mặt bừng sáng của người mẹ khi mua sách cho con và nghẹn ngào khi nhớ về tuổi thơ của một đứa con nhà nghèo thiếu thốn sách vở.

Cũng chính bởi vậy, ngoài việc ham mê xê dịch, Rosie Nguyễn cũng dành nhiều thời gian đọc sách. “Cứ mỗi lần rời xa sách, tôi lại thấy đời mình đi xuống” - chị nói như vậy. Không phải để khoe hay đánh bóng bản thân, nhưng nếu người đọc từng theo dõi trang Goodreads - một website đánh giá và chia sẻ cảm nhận về sách thì có thể biết Rosie Nguyễn cũng là một người đọc sách rất truyền cảm hứng. Trang viết của chị lúc nào cũng nhộn nhịp bởi những đánh giá, cảm nhận của chị sau khi đọc xong một cuốn sách. Chị còn để trích dẫn những câu nói hay của các bậc vĩ nhân, những nhà văn hay nghệ sỹ nổi tiếng để độc giả, bạn bè theo dõi. 

Trong cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, Rosie Nguyễn rất tâm đắc một câu nói của triết học gia Ấn Độ Osho: “Trẻ con đến tuổi thì không còn là trẻ con, nhưng cha mẹ không bao giờ chịu thôi làm cha mẹ. Có một điều nhân loại ít ai hiểu được, rằng không nên cố gắng làm phụ huynh suốt đời”. Với Rosie Nguyễn, chị không cổ vũ lối sống tự do thái quá, nhưng chị không ủng hộ những bậc phụ huynh cả đời không chịu buông tay đứa con của mình. Quá bao bọc, giữ gìn con cái, đến lúc họ nhận ra rằng, những đứa trẻ lớn lên, hoặc sẽ bùng nổ ngông nghênh hoặc trở nên héo mòn khép kín.

“Ai rồi cũng sẽ có những chuyến đi cho riêng mình. Tôi không muốn con mình bắt đầu chuyến đi riêng của nó lúc 50, 60 tuổi, ngỡ ngàng trông thấy có quá nhiều nơi đẹp đẽ trên thế giới này mà nó chưa từng biết, thảng thốt nhận ra nó đã già và oán trách cha mẹ vì đã nhốt nó trong một chiếc lồng quá chật” - chị chia sẻ.