Người sống nhờ “Lộc trời”

ANTĐ - Hiện nay văn đàn có quá nhiều người tên Thế Hùng khiến độc giả luôn nhầm lẫn người nọ với người kia. Người tôi muốn nói, là nhà văn Nguyễn Thế Hùng, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng sơ chế nhung hươu

Tôi may mắn được học cùng Hùng ở khóa 7, trường Viết văn Nguyễn Du. Hắn là một trong số ít sinh viên lớn tuổi của lớp. Vốn sống của hắn giàu có đến độ, chỉ nghe hắn kể chuyện đã thấy phát thèm. Đơn vị Hùng đóng ở Cần Thơ. Chính miền gạo trắng nước trong này đã thổi vào hắn niềm đam mê văn chương, và cũng cái môi trường này đã khiến hắn mất phương hướng. Dù có tới mười mấy năm lặn lội ở Cần Thơ, nhưng những gì Hùng viết về vùng đất này đều chưa đến độ. Truyện nào Hùng viết cũng có những chi tiết hay, những câu văn tài hoa, nhưng truyện nào cũng thiếu một thứ cốt tử cho một tác phẩm văn chương, đấy là cái hồn. 

Học gần hết khóa, đầu xuân 2005 Hùng rủ rê tôi: “Đầu xuân người ta đi hái hoa hái lá, tôi mời ông về quê tôi để hái lộc… hươu”. Tôi nhận lời. “Thôi thì tôi cũng vì ông mà đường xa vất vả, chứ tôi chẳng ham hố gì chuyện hươu nai”, miệng nói vậy nhưng trong bụng tôi hào hứng lắm. Mình con nhà nghèo, cơm ăn còn chưa đủ nói gì đến ăn nhung hươu. Trong “tứ bảo” ngành dược cổ truyền thì lộc hươu đứng thứ 2: “Sâm - Nhung - Quế - Phụ”.  Tôi vốn dĩ ông trời quy định phom người thon thả eo dây nên chẳng mong gì nhờ nhung hươu vỗ béo. Tôi hào hứng là bởi nghe Nguyễn Thế Hùng thì thụt khoe rằng, chỉ cần uống một chén rượu huyết nhung đảm bảo ông sẽ… khác liền! 

Tôi nghe mà bán tín bán nghi. Cho tới khi về làng Sơn Diệm, đi thăm những chuồng hươu, chứng kiến cảnh cắt nhung hươu và những buồn vui quanh cái nghề độc đáo này, tôi cảm nhận những điều Hùng kể là… có lý. Và chính trong chuyến đi ấy tôi đã buột miệng nói với Hùng: “Ông phải viết một cái gì đó thật riêng, thật nặng kí, để mỗi khi nhắc tới Nguyễn Thế Hùng người ta phải ghép vào tên tác phẩm”. Hùng trợn mắt nhìn tôi: “Ai chẳng muốn viết được cái gì đó thật riêng. Nhưng mà người ta viết hết rồi”. “Ô, ông nói thế quái nào ấy chứ. Tôi thấy cái nghề nuôi hươu quê ông rất lạ, chưa thấy ai viết cả, sao ông không viết một cái truyện về hươu nhỉ?”. “Ờ ờ… ờ nhỉ”. Hùng ngẩn người rồi đưa bàn tay to xù bắt tay tôi.  

Và khi về trường, Nguyễn Thế Hùng bắt tay ngay vào viết Lộc trời kể về những thăng trầm của một làng nghề nuôi hươu với đủ cung bậc cảm xúc của thế thái nhân tình. Ở cùng phòng với Hùng, tôi cảm nhận rất rõ hắn đã bắt được cái hồn quê quý giá mà ngoài hắn ra không ai có thể viết hay hơn. 

Tôi để ý, mỗi khi viết truyện mà Nguyễn Thế Hùng sửa soạn trịnh trọng, vò đầu bứt tai nhăn mày nhíu trán thì y như rằng truyện… hỏng. Nhưng đến Lộc trời thì khác. Hắn đờ đẫn ngồi trước máy tính mấy đêm liền rồi bất chợt một khuya tôi nghe tiếng bàn phím đổ ào ào. Tôi nín thở, hé mắt quan sát. Hùng viết như nhập đồng. Sáng sau Hùng tốc tôi dậy bắt đọc ngay bản thảo truyện ngắn Lộc trời, còn hắn thì bải hoải như mụ đàn bà rỗng ruột sau cơn sinh đẻ, đi lại vật vờ trong khu ký túc xá Nguyễn Du. 

Tôi ngồi vào máy đọc Lộc trời và thầm reo lên: “Ăn” rồi! Một câu chuyện hội tụ đủ những yếu tố cần thiết của một truyện ngắn hay: Cốt truyện độc đáo, cảnh sắc sinh động, chi tiết đắt. 

Khi truyện này được in, nhà văn Ma Văn Kháng, thành viên Ban chung khảo cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2005-2006 đã thốt lên: “Một truyện ngắn xộc lên không khí rất riêng của vùng sơn cước!”.  Sau khi Lộc trời đoạt giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Thế Hùng nhận được một phần thưởng vô giá, đó là “thương hiệu” mà độc giả và bạn viết cấp cho: Hùng “Lộc trời”, không còn lẫn với rất nhiều nhà văn tên Hùng khác. 

Sau khi nhận giải, Nguyễn Thế Hùng có nhã ý tổ chức một bữa rượu để cảm ơn tôi đã gợi ý về đề tài truyện ngắn. Tôi bảo, tôi nào có công cán gì. Ông nên cảm ơn con hươu quê ông ấy. Nghe tôi nói vậy, Hùng đã suy nghĩ rất lâu. Và sau mấy đêm trằn trọc, hắn quyết định mang toàn bộ số tiền giải thưởng gần chục triệu đồng ra phố Hàng Bạc đặt thợ đúc một bức tượng… hươu! Con hươu bạc to bằng bắp tay hiện được đặt trang trọng trên bàn viết của Hùng, và mỗi khi đi uống rượu say về hắn lại nâng niu nó bằng cả hai tay, mắt nhòe lệ, miệng hôn con hươu chun chút rồi lắp ba lắp bắp: Cảm ơn mày! Cảm ơn mày! 

Hùng ơn con hươu là phải. Nhờ nó mà Hùng mới có Lộc trời. Nhưng con hươu cũng phải ơn Hùng, bởi nhờ cái truyện Lộc trời mà nhiều người biết đến nghề nuôi hươu lấy nhung ở Hương Sơn. Văn chương có sức lan tỏa diệu kỳ, vì thế mà bây giờ mỗi độ xuân về điện thoại của Nguyễn Thế Hùng lại réo rắt lời những độc giả đã đọc Lộc trời nhờ Nguyễn Thế Hùng đưa về Hương Sơn cắt nhung hươu.