Người ở đừng về

ANTĐ -  Bố tôi gọi điện cho tôi bảo bay ra Hà Nội ngay, gia đình có việc quan trọng khẩn cấp cần bàn. Tôi hỏi ông việc gì? Ông bảo cứ bay ra sẽ biết. Bố tôi là thế, lời nói của ông như một mệnh lệnh, không cần phải giải thích. 

Ông vốn là người gia trưởng lại ảnh hưởng của quyền lực nên luôn bắt người khác phải tuân thủ theo mình. Tôi, một kẻ vốn ngang bướng từ bé nhưng chưa bao giờ dám trái lời bố. Ngay cả cái chuyện tôi lấy vợ và sinh sống ở Sài Gòn cũng là do ông sắp đặt. Ông bảo nhà có hai đứa con trai, ông thích thằng ở Sài Gòn, thằng ở Hà Nội, chiếm giữ hai thành phố lớn nhất nước.

Ngay trong đêm, tôi bay ra Hà Nội, lái xe riêng của bố tôi ra đón đưa tôi về ngôi biệt thự ở nội đô, nơi tôi từng sống. Bố tôi nói như ra lệnh:

- Ngày mai con đi Bắc Ninh thuyết phục thằng Đạt quay về Hà Nội cho bố.

- Nó đi Bắc Ninh làm gì vậy bố?

- Nó bỏ Thủ đô về tỉnh lẻ sinh sống chỉ vì một đứa con gái. Đồ ngu!

Thì ra việc nhà quan trọng là chuyện thằng Đạt bỏ Thủ đô để về một làng thôn quê ở Bắc Ninh sinh sống. Nếu nó là thằng ngổ ngáo thì không sao, đằng này nó lại là thằng hiền lành, gọi dạ bảo vâng nhất nhà. Mẹ tôi vốn là người đàn bà hiền hậu, yêu chiều con cái nhưng trong trường hợp này, bà cũng đồng tình với chồng không để thằng Đạt bỏ Thủ đô để về Bắc Ninh sinh sống chỉ vì phải lòng cô con gái Kinh Bắc biết hát dân ca quan họ. Tôi cũng thấy nó ngu, biết bao kẻ ở tỉnh lẻ học đại học xong đều tìm mọi cách để ở lại Thủ đô thế mà nó lại làm điều ngược lại. Mà nó nào có xấu trai, lại con nhà danh giá, học hành tử tế, làm nghề bác sĩ, bao cô gái Hà Nội con nhà tử tế thầm yêu trộm nhớ. Thằng Đạt rất mê tiếng hát quan họ, khi tôi còn ở nhà, mỗi lần thấy tivi phát ra giọng hát quan họ là thằng Đạt bỏ tất cả mọi việc lại để chạy đến bên tivi nghe hát cho đến hết chương trình dân ca mới thôi? Chả nhẽ nó về quê sinh sống chỉ vì người con gái có giọng ca quan họ kia?

 Tưởng đi buổi sáng nhưng có mấy việc anh lái xe phải đưa bố tôi đi nên ăn cơm trưa xong, tôi về vùng quê Bắc Ninh. Hỏi thăm mãi cuối cùng cũng tìm được đến nơi. Xe dừng ở đầu làng, tôi bảo anh lái xe đỗ xe ở đây để tôi đi bộ vào làng. Ngày chủ nhật nên thằng Đạt không trực ở trạm xá, tôi hỏi thăm đến nhà Duyên, tên người yêu của thằng Đạt. Buổi trưa ở làng quê thật yên bình, tôi đi qua con đường làng, hai bên có hai hàng thông reo vi vút rồi rẽ vào một con ngõ có hàng ruối xanh mướt. Bước chân vào đến cầu ao, tôi sững người khi thấy thằng em tôi đang ngon giấc ngủ trưa trên chiếc chõng tre mà đầu nó lại gối lên mái tóc dài đen mượt của người yêu. Lãng mạn cứ như trong phim. Tôi đứng ngắm nhìn khuôn mặt Duyên, khuôn mặt của trăng rằm phúc hậu, không xinh đẹp như những cô gái Hà Nội nhưng có cái gì đó quyến rũ đến nao lòng. Không muốn đánh thức cả hai dậy, tôi quay ra đến bên một quán nước cạnh một đền thờ di tích lịch sử ngồi uống nước. Tôi ăn kẹo lạc, uống chè xanh, hai thứ này có kiếm đỏ mắt cũng không có ở Sài Gòn. Vị ngọt, thơm của kẹo lạc; vị chan chát của chè xanh làm tôi khoan khoái. Gần hai giờ chiều tôi quay lại nhà Duyên thì thấy Duyên đang gội đầu bằng nước bồ kết cho thằng Đạt, tôi hắng giọng, Đạt reo lên:

- Anh, anh đợi em tí!

- Em chào anh! - Duyên chào tôi, tay vẫn xối nước lên đầu Đạt.

Gội đầu xong, Duyên mời tôi vào nhà, một ngôi nhà ngói cổ năm gian mát rượi. Bố mẹ Duyên đi lên miền núi thăm người nhà, nhà chỉ có mình Duyên, cô bảo để cô đi chợ mua gì về nấu cơm chiều, Đạt gạt đi:

- Anh Điện thích câu cá để anh ấy câu cá dưới ao lên rán và nấu canh dưa chua.

Đạt lấy cần câu, ra vườn cuốc giun, tôi ra cầu ao ném một chút cám xuống nước rồi thả câu. Ngày nhỏ ở quê tôi vốn rất sát cá nên chỉ một lúc tôi đã lôi lên được một con cá chép vàng ươm. Một lúc sau lại lôi lên một con cá rô phi. Duyên khen tôi lần đầu câu mà cá dính câu liền.

Thế là cả buổi chiều mải mê với câu cá, tôi chẳng nói chuyện được với Đạt về việc bố mẹ bắt nó quay trở lại Thủ đô để sống. Ăn cơm tối với cá rán, canh dưa nấu cá xong, tôi định ra về nhưng Duyên giữ lại xem chương trình quan họ ở làng được tổ chức vào đêm rằm hàng tháng, có ôtô, xem xong về cũng không muộn lắm, thậm chí ngủ lại đây mai về cũng được.

Hàng trăm người đang ở sân đình, già trẻ, nam nữ có cả. Trăng thu soi bóng rõ từng mặt người. Gió thu rì rào đám lá đa. Những liền anh liền chị ở làng hát giao duyên, tiếng hát bay lên lay động cả làng quê. Không có sân khấu, không có ánh đèn màu, không có dàn nhạc, không có cảnh các  cô váy ngắn, ngực hở nhưng thật kỳ lạ có cái gì đó làm mê hoặc lòng người. Và kìa, ai kia mà xinh đẹp, mà có giọng ca ngọt ngào đến thế? Tôi dụi mắt, trời ơi, chính là Duyên, Duyên mặc áo mớ ba mớ bảy, đầu thít khăn mỏ quạ nên tôi không nhận ra. Hàng trăm con người lặng im như tờ để lắng nghe giọng ca của Duyên. Bao nhiêu đôi mắt của trai làng nhìn Duyên say đắm. Khuôn mặt Đạt ngập tràn ánh trăng, ngập tràn hạnh phúc. Và bây giờ thì tôi hiểu tại sao Đạt dám từ bỏ cuộc sống nơi đô thành để về đây lập nghiệp.

Người ơi người ở đừng về...

Duyên vẫn say sưa biểu diễn, tôi lặng lẽ bấm tay anh lái xe ra về. Tôi phải về  thôi nếu không ngay chính cả tôi cũng ở lại mà không muốn về!.