Người nghệ sĩ cống hiến cả đời cho tình yêu Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ở tuổi 90, hàng ngày ông vẫn chống gậy, khoác balo cùng chiếc máy ảnh dạo quanh phố phường để ghi lại mọi khoảnh khắc của con người và cuộc sống Hà Nội.…

Nguyện cả đời gắn bó với Thủ đô

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng sinh năm 1932, tại Hà Đông, từng là học sinh trường Kỹ nghệ thực hành. Năm 1954, cả gia đình ông di cư vào Nam, riêng ông chọn ở lại Hà Nội và là một trong số ít phóng viên Việt Nam có những khuôn hình sống động về đoàn quân “trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô”. Sau ngày giải phóng Thủ đô, vì giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, biết chụp ảnh, đánh máy chữ, ông tham gia hoạt động giúp Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định đình chiến Geneve trong 15 năm.

Ông cũng từng được đích thân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam mời làm giảng viên về phong tục tập quán, lịch sử Việt Nam, được Bộ Ngoại giao Nhật Bản cấp văn bằng Public Relations (Văn bằng về quan hệ công chúng trong trao đổi ngoại giao văn hóa) vì đã dịch hơn 5.000 trang viết về văn hóa Nhật Bản trên tạp chí Nhật Bản ngày nay sang tiếng Việt. Đặc biệt, những người yêu văn học ở Việt Nam chắc hẳn chưa quên tác phẩm văn học “Con đường sấm sét” do ông dịch, một bản “best seller” ở thời kỳ đó. Năm 1970, NSNA Quang Phùng về làm việc tại Bộ Ngoại giao phục vụ cho công tác đối ngoại và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhiếp ảnh đối với Quang Phùng là công việc mà ông đam mê và dấn thân suốt 60 năm qua. Ông đã dành hàng chục năm để thực hiện nhiều bộ ảnh hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, ghi lại sự biến đổi của Thủ đô từ cảnh quan, kiến trúc, lối sống qua nhiều cung bậc. Năm 2011, ông cho ra mắt cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm” in song ngữ Việt - Anh. Cuốn sách tập hợp gần 100 bức ảnh, mỗi bức chứa đựng một tình yêu nặng sâu, tinh tế mà chan chứa nỗi niềm, ký ức với Hà Nội. Đây còn là nguồn tư liệu độc đáo khi đăng tải một số bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Tuân mà ông chụp từ đầu thập niên 70 của thế kỷ 20. Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Giải thưởng Lớn “Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 6 - 2013 trao tặng cho sách ảnh cũng là trao tặng cho “Tình yêu Hà Nội” của ông, một giải thưởng xứng đáng.

“Khi mới 5 tuổi tôi đã trốn ra Bờ Hồ chơi. Ngày ấy gia đình di cư vào Nam, nhưng tôi vẫn chọn ở lại Hà Nội bởi tình yêu mảnh đất này quá lớn. Nhớ thời còn làm việc bên Lào, lần nào về Thủ đô tôi cũng lang thang ra Bờ Hồ. Hồ Gươm là nơi đã truyền cho tôi nguồn năng lượng vô tận và cũng níu giữ tôi. Hà Nội đã thay da đổi thịt từng ngày, đời sống đủ đầy, văn minh, hiện đại, nhưng vẫn có những thứ chưa ổn mà tôi kiên trì phản ánh cũng chỉ mong Hà Nội ngày càng đẹp hơn. Tôi chụp cảnh và người Hà Nội để nhiều thế hệ người yêu Hà Nội có thể ngắm nhìn mảnh đất, con người nơi đây đã thay đổi, phát triển ra sao qua biến thiên thời cuộc. Vì tình yêu Hà Nội, tôi sẽ không tiếc sức mình” - ông cho biết.

Những đứa trẻ sáng mùa thu (chụp 6h ngày 10-10-1954) Ảnh: Quang Phùng

Những đứa trẻ sáng mùa thu (chụp 6h ngày 10-10-1954) Ảnh: Quang Phùng

Điều quan trọng nhất là tình yêu nước

Trước đó trong cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 1990, bức ảnh “Tóc mây” nổi tiếng của ông chụp một cô gái có gương mặt hồn hậu, mái tóc dài bay trong gió đã giành giải Nhất. Nhưng sau đó, ông quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Năm 2004, triển lãm ảnh về đề tài phòng chống ma túy của ông đã gây sửng sốt trong dư luận. Để có những hình ảnh chân thực ấy, ông đã phải lăn lộn nhiều năm, lang thang trên khắp các ngõ ngách Hà Nội, đối mặt với nhiều hiểm nguy để ghi lại. Hàng ngày, cứ vào buổi sáng, ông chống gậy ra hồ Thiền Quang lân la hỏi chuyện những người bán nước, những “con nghiện”, trở thành bạn của họ. Những bức ảnh từ đây ra đời.

Trong căn phòng nhỏ chưa tới 10m2 ngổn ngang tài liệu, sách vở tại xóm Hạ Hồi, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng cho chúng tôi xem bộ ảnh “Học sinh nghèo vượt khó”; “Những cây cổ thụ bên hồ Gươm” hay bộ ảnh “Giọt nước trên cây hoa dâm bụt” mà ông bảo phải săn nhiều năm mới chộp được khoảnh khắc đắt giá nhất. Suốt từ năm 23 tuổi đến nay, NSNA Quang Phùng có thể thay đổi nhiều phương tiện chụp ảnh, lúc chụp máy phim, lúc chụp máy kỹ thuật số to kềnh càng, và giờ là chiếc Leica nhỏ xíu trong lòng bàn tay, nhưng có một điều ông không thay đổi suy nghĩ: Cái cốt lõi của nhiếp ảnh là tài liệu, là hiện thực cuộc sống đúng như nó đang diễn ra. “Trước mỗi lần bấm máy, tôi đều có sự tính toán rất kỹ lưỡng.

Thường thì với mỗi chủ thể, tôi sẽ có một bức toàn cảnh - một đặc tả và một đối xứng để làm bật thông điệp mà mình muốn chuyển tải. Ý tưởng sẽ xuất hiện trước và tôi sẽ kiên trì đeo bám. Ví dụ, để có được bức ảnh “Lá phổi xanh của thành phố”, tôi phải chờ đợi khoảnh khắc tán cây soi bóng xuống vũng nước đọng lại sau cơn mưa với hình dạng tựa như 2 lá phổi. “Cứ thấy mưa là tôi cầm ô đi, rồi ngồi đợi, kỳ công lắm mới chộp được khoảnh khắc ẩn chứa thông điệp nhân sinh như thế. Nhiều bức ảnh tôi phải mất 5-6 năm mới chụp được khoảnh khắc mà mình mong muốn, vất vả vô cùng” - ông tâm sự.

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đã được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013); Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc (năm 1995); Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 1999); Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam (năm 2002); Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội 1991-1995; Giải nhất Liên hoan ảnh Việt Nam lần thứ XVI năm 1990… Dịp 10-10-2022, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vinh dự đón nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 do UBND TP Hà Nội trao tặng.

Dù mọi người vẫn gọi ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng ông không thích như vậy, ông chỉ nghĩ mình đơn giản là nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. Nhiếp ảnh là kỹ thuật. Một bức ảnh đẹp là một bức ảnh có kỹ thuật thì mới thể hiện được ý đồ. Nhiếp ảnh với ông là ghi lại khoảnh khắc, những gì thiết thực nhất, gần gũi nhất xung quanh đời sống của mình. “Nhiếp ảnh là phải thật, không được diễn. Phim, kịch, sân khấu thì cứ diễn thoải mái, nhưng nhiếp ảnh thì không. Cái dòng đời cuộn trôi kia, anh chỉ bấm đánh “tách” một cái, chỉ là một khoảnh khắc. Và khoảnh khắc đó phải thật, mỗi bức ảnh phải hội đủ “Chân - Thiện - Mỹ”. Một người lính trước lúc hy sinh đã từng tâm sự với tôi rằng, người phụ nữ gánh nặng trở vai giữa cánh đồng là hình ảnh mà anh mang theo trước giờ vào trận. Nỗi xúc động khi nghe anh trải lòng đã khiến tôi đặc biệt hứng thú với những gánh hàng rong xuôi ngược trên vỉa hè, một hình ảnh đậm chất Hà Nội dù đâu đó vẫn cho rằng nó làm mất mỹ quan và gây ảnh hưởng trật tự đô thị” - NSNA Quang Phùng kể.

Bức ảnh “Những đứa trẻ bên hồ Gươm” được tác giả chụp sáng 10-10-1954

Bức ảnh “Những đứa trẻ bên hồ Gươm” được tác giả chụp sáng 10-10-1954

Có lẽ vì vậy mà ông đặc biệt quan tâm đến những phận người dưới đáy xã hội, đó là những người nghiện ma túy, các cô gái mại dâm, đám trẻ lang thang cơ nhỡ, những người nông dân lần hồi mưu sinh… Tất cả đã trở thành nhân vật của ông và hiện hữu sinh động, chân thực trong những triển lãm cá nhân về “Phòng chống ma túy” (năm 2004) hay “Hoa rơi mặt hồ” (năm 2008)… Và cuối cùng, điều quan trọng nhất đối với một người làm nhiếp ảnh theo ông là tình yêu nước: “Nếu không yêu nước thì không làm được gì cả. Tình yêu nước ở trong tim, là bản năng, phải vun trồng”.