Xuất khẩu lao động gặp khó:

Người lao động khốn đốn

ANTĐ - Nếu như năm 2011, tính đến hết quý I đã có khoảng 20.000 lao động nước ta được đưa ra nước ngoài làm việc thì đến thời điểm này mới chỉ đạt trên 6.000 người. Cùng với đó, việc mở rộng thị trường lao động xuất khẩu cũng đang gặp khó, thậm chí còn bị giảm đi.

Do nôn nóng, nhiều lao động đã bỏ quá nhiều tiền cho các trung tâm môi giới. (Ảnh minh họa)


Khốn đốn vì… phí

Mới đây, tại một buổi tọa đàm về chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ) được tổ chức tại Hà Nội, anh Nguyễn Ngọc Ch. (Phú Thọ) đã kể lại câu chuyện nhiều cảm xúc của mình về quá trình làm thủ tục đi XKLĐ cũng như quãng thời gian gần 3 năm lao động tại Hàn Quốc.

Theo đó, vào năm 2005, sau khi thi trượt đại học, Ch. quyết định nộp hồ sơ đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Anh được giới thiệu tới một trường dạy nghề ở tỉnh Phú Thọ để học tiếng Hàn, học nghề cũng như tham gia thi điều kiện. Theo hợp đồng mà trung tâm môi giới thảo trên giấy tờ thì chi phí xuất khẩu sang Hàn Quốc là 675USD, nhưng thực tế để được sang Hàn Quốc anh Ch. đã phải mất tổng chi phí lên tới 6.000USD. Đặc biệt, khi đã sang đến Hàn Quốc, điều kiện làm việc cũng như sinh hoạt của người lao động (NLĐ) hoàn toàn không giống như những gì mà họ đã được các trung tâm môi giới hứa hẹn.

Đây cũng là tình trạng chung nhiều lao động đi xuất khẩu đã phải trải qua. Dù Bộ LĐ-TB&XH có quy định khá cụ thể về mức phí được thu của mỗi trường hợp lao động đi xuất khẩu để các trung tâm xuất XKLĐ áp dụng, tuy nhiên thực tế hoàn toàn khác. Theo phản ánh, để được XKLĐ thành công, tổng chi phí mà lao động phải đóng gấp nhiều lần so với số tiền trên hợp đồng mà họ ký kết với bên môi giới. Người nào ít cũng mất 2.000USD, nhiều thì khoảng 10.000USD, thậm chí có người mất tới 15.000USD. 

Ông Lê Minh Đức, Công ty CP XKLĐ CTM cho rằng, gần như 100% doanh nghiệp XKLĐ trong nước hiện nay thu phí môi giới cao hơn quy định. Nguyên nhân do mức phí đã ban hành từ năm 2008, không theo kịp giá cả thị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn, theo ông Đức, là do các doanh nghiệp phải bù lỗ cho nhiều “phần mềm” như: xin cấp giấy phép hoạt động, để có đơn hàng tốt, chưa kể phí trả cho hệ thống cò mồi, chân rết… Tất cả những chi phí này đều đổ dồn lên đầu NLĐ.  

Lợi nhuận nhiều, trách nhiệm thiếu

Một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp XKLĐ cũng như cơ quan quản lý đưa ra để bào chữa cho việc thị trường XKLĐ của nước ta đang gặp khó chính là tình trạng NLĐ Việt Nam bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại một số thị trường lao động lớn như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), từ đó ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam tại các thị trường đó. Tuy nhiên, ở khía cạnh khách quan có thể thấy, do chi phí mà NLĐ phải bỏ ra khi ký hợp đồng và làm các thủ tục để xuất cảnh đi lao động đã bị đẩy lên quá cao, trong khi thu nhập hàng tháng tại nơi được giới thiệu đến làm việc lại đa phần không đúng như mong đợi khiến họ phải bỏ trốn ra ngoài làm thêm. Bên cạnh đó, phần nhiều lao động xuất khẩu có điều kiện lao động, sinh hoạt khó khăn hơn nhiều so với “quảng cáo” mà không nhận được sự quan tâm cần thiết từ chính các doanh nghiệp XKLĐ đã giới thiệu họ. 

Theo ông Vũ Đình Toàn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH, Thông tư 21 của Bộ LĐ-TB&XH đã quy định doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện Hợp đồng lao động giữa NLĐ và người sử dụng lao động, giải quyết kịp thời các phát sinh vượt quá khả năng tự giải quyết của NLĐ hoặc khi NLĐ yêu cầu trợ giúp. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp phớt lờ các quy định trên, thậm chí bán giấy phép, khoán trắng cho chi nhánh, trung tâm, đếm đầu lao động đưa đi để thu tiền. Nhiều khi bản thân doanh nghiệp không quản lý, không biết được bao nhiêu lao động do chính mình đưa đi. Ngoài ra, cũng không ít doanh nghiệp khoán trắng cho môi giới nước ngoài dẫn đến tình trạng NLĐ do họ đưa đi xuất khẩu bị bỏ rơi, bơ vơ nơi đất khách quê người…

Ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Ban Chính sách - pháp luật - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, phần nhiều NLĐ tham gia tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài rất thiếu thông tin liên quan. Thường họ chỉ biết thông tin mập mờ qua môi giới không chính thức nên dẫn đến tiền mất tật mang. Mặt khác, không ít chủ sử dụng lao động lợi dụng sự kém hiểu biết pháp luật của NLĐ Việt Nam để bớt xén các khoản chi cho NLĐ theo luật định. Trong khi đó trách nhiệm quan tâm, bảo vệ NLĐ của doanh nghiệp XKLĐ trong nước chưa đến nơi đến chốn. Nếu không cải thiện được tình trạng này thì lao động xuất khẩu của nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn, ngành XKLĐ cũng tiếp tục gặp khó. Nhất là trong bối cạnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động ngày càng gay gắt.