Người hơn 20 năm chống chọi với căn bệnh suy thận cấp

ANTĐ -Căn bệnh suy thận cấp dường như đã cướp đi mọi thứ của Mai Anh Tuấn. Lời động viên của gia đình, bạn bè đã giúp anh có được niềm tin để chiến đấu với căn bệnh "nhà giàu" trong 20 năm ròng rã...

Căn bệnh của “nhà giàu”…

Con ngõ 121 Lê Thanh Nghị chật chội và bí bách. Lòng vòng một lúc lâu chúng tôi mới đến được khu xóm nơi những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang cùng nhau sinh sống. Nằm trên gác mái tầng hai của một khu nhà 2 tầng đã cũ ở số 29, ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị, gian nhà có diện tích 12 mét vuông là nơi sinh hoạt hằng ngày của gia đình gồm ba nhân khẩu đứng tên chủ hộ Mai Anh Tuấn (sinh năm 1976).

Căn nhà trọ của gia đình anh Mai Anh Tuấn

Tôi biết đến anh thông qua lời kể của mọi người nơi mà anh sinh sống. Sinh ra và lớn lên tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, Mai Anh Tuấn mắc bệnh khi 6 tuổi. Sau một tháng điều trị tại bệnh viện tại huyện Ba Vì, Tuấn đã hoàn toàn phục hồi như người bình thường. Học tập trưởng thành, Tuấn trở thành kỹ sư xây dựng trong một cơ quan nhà nước.

Cuộc sống chẳng có ai có thể đoán trước được, một tin dữ bất ngờ ập đến với cả gia đình anh. Cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, Tuấn đi bệnh viện khám thì phát hiện ra mình bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo. Vì tình trạng sức khỏe cũng như mức độ công việc đòi hỏi phải chạy đi chạy lại giữa nhiều công trình nên Tuấn đã kết thúc công việc kĩ sư xây dựng sau 6 tháng làm việc. “Anh cảm thấy lúc đó cuộc đời anh coi như đã chấm hết vậy”, Tuấn tâm sự.

Sáu tháng đầu, Tuấn được hỗ trợ bảo hiểm để chữa bệnh từ cơ quan nơi anh làm việc. Sau một năm công việc không còn, bảo hiểm đã hết hạn, bố mẹ chạy vạy khắp nơi để điều trị cho anh.
“Tôi vẫn nhớ khi đó bố tôi còn nói: Dù có thế nào đi nữa cũng phải chữa trị cho con, đến lúc nào nhà mình không còn gì nữa thì đành chịu. Mình theo số trời con ạ!”, Tuấn kể.

“Bố tôi tìm hiểu và hỏi thăm một số người thân trong bệnh viện rồi biết được cách làm đơn xin hỗ trợ chi phí chạy thận nhân tạo. Năm 1996 mỗi lần chạy thận gia đình tiêu tốn cho tôi 300.000 đồng, từ khi đơn xin hỗ trợ được xét duyệt thì chi phí ấy cũng giảm xuống 60.000 đồng. Mỗi tuần tôi đi chạy thận một lần”, Tuấn chia sẻ.

Những năm 1998, 1999 ở quê cũng mới xuất hiện chính sách bảo hiểm y tế dành cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau 3 năm “chạy thận chay”, Tuấn được nhà nước hỗ trợ chính sách bảo hiểm hộ nghèo, vì thế tần suất chạy thận cũng được tăng lên 3 lần một tuần.

 Mai Anh Tuấn đang chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai

Quyết tâm chống chọi với căn bệnh quái ác...

“Tôi lên Hà Nội đến nay cũng ngót 20 năm rồi”, ánh mắt mơ hồ nhìn về phía ô vuông nhỏ trên trần nhà, anh Tuấn thở dài...
Năm 1996, nhận được kết quả Tuấn bị suy thận cấp, gia đình đã đưa anh về trung tâm Hà Nội để điều trị. Để thuận tiện cho việc sinh hoạt và chữa trị, bố mẹ đã tìm và thuê cho anh một căn phòng nhỏ ở ngõ 121 trên đường Lê Thanh Nghị.

“Mình là thanh niên đang đi làm mà bây giờ bị bệnh thì thấy tù túng. Vật chất, tinh thần đều thiếu thốn, chán nản lắm em ạ! Nhiều khi nhìn những người cảnh ngộ, rồi thấy chán chường, lợ, đau khổ, không biết làm sao thoát ra được”, anh Tuấn nhớ lại cảm giác của 20 năm trước.

Anh Tuấn khẳng định, chính nhờ sự yêu thương, động viên, an ủi của bố mẹ và các anh chị em, mà anh có thể vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời, dần lấy lại được niềm tin để sống tiếp như bao con người khác. Sau này, khi đã lập gia đình, những người người mang đến cho anh nghị lực sống hơn nữa là vợ và đứa con trai của anh.

…Nhiều năm sau, cuộc sống tưởng chừng sẽ cứ thế lặng lẽ trôi qua, nhưng bất ngờ lại ập đến với gia đình Tuấn.
Năm 2006 người em trai qua đời. Rồi đến năm 2011 người bố kính yêu của anh cũng "về với ông bà tổ tiên". Những nỗi đau vô cùng lớn đối với anh này càng khiến anh Tuấn lo lắng, không biết số phận chính mình sẽ ra sao. Bởi lẽ, chính bệnh về thận đã lấy đi tính mạng của bố và em trai... Nhưng rồi, anh nghĩ dù thế nào cũng phải cố gắng vui sống, chiến đấu với bệnh tật. Vì thế, anh cùng với vợ làm hết mình để vun vén cho tổ ấm, đồng thời sống chung với căn bệnh quái ác. 

Nhờ thế, đến nay, cuộc sống của gia đình anh đã khá hơn nhiều so với lúc mới chuyển về Hà Nội. Chị nhà bán nước trà tại các cổng trường học lân cận ở quận Hai  Bà Trưng. Còn anh, khi khỏe thì chạy "xe ôm" và bán Gạo cốm. Vì thế, thỉnh thoảng cũng có gọi là đồng ra đồng vào để phụ cùng vợ trang trải cuộc sống. Anh Tuấn cũng tham gia làm cộng tác viên cho một tổ chức kêu gọi những tấm lòng hảo tâm cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Giờ đây, chi phí cho việc chạy thận đã được bảo hiểm Y tế giúp đỡ, gia đình chỉ phải bỏ ra một phần. Nhưng chi phí ăn học cho cậu con trai 14 tuổi, giờ là vấn đề được vợ chồng anh đặt lên hàng đầu. Tính sơ sơ, việc học của con đã cần tối thiểu khoảng 5.000.000 đồng một năm, chưa kể tiền học thêm và chi phí phát sinh khác. Số tiền ấy quá nhỏ với nhiều gia đình, nhưng với gia đình anh, người trường kỳ chiến đấu với bệnh tật, thì không dễ dàng gì để đáp ứng được. 

Anh Tuấn ghi danh sách các cá nhân Xóm chạy thận đi bầu cử hội đồng nhân dân sắp tới

Hỏi về dự định cho tương lai, anh Tuấn cười: “Là một người mang bệnh suốt đời, thì chẳng có ai sẽ nghĩ đến những dự định nào to tát trong tương lai cả. Tôi chỉ mong muốn cả gia đình sẽ sống thật vui vẻ, không để tâm đến vấn đề bệnh tật nữa, có cuộc sống như mọi người là được rồi". 

Chia tay gia đình nhỏ ấm cúng của anh Tuấn, tôi nhớ mãi câu nói mộc mạc của chị Nguyễn Thị Thuật, sống trong “Xóm chạy thận”: “Anh Tuấn luôn hòa đồng với mọi người và nhiệt tình trong các hoạt động của xóm. Tôi thấy ở anh là lòng “ham sống” đến mãnh liệt". Chính sự ham sống đến mãnh liệt đã giúp anh đứng vững trước bệnh tật, và trở thành trụ cột cho vợ con vươn lên trong cuộc sống...