Người họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương duy nhất còn lại

ANTD.VN - Vào một ngày thu Hà Nội, tôi đến thăm ông, họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương duy nhất còn lại ở đất nước Việt Nam tại căn nhà trong con ngõ nhỏ số 28 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ông là nhà báo, họa sĩ Tôn Đức Lượng (93 tuổi), tác giả của một bộ ký họa quý giá về lịch sử dân tộc.

Nhà sưu tập tranh Tira Vanichteeranont, họa sĩ Tôn Đức Lượng và nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng

May mắn khi bén duyên hội họa

Năm 1944, chàng thanh niên 19 tuổi Tôn Đức Lượng cùng gia đình ở Thị xã Sơn Tây. Cũng năm đó, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tổ chức tuyển sinh khóa 18. Do chiến tranh Nhật - Pháp, nhà trường sơ tán về Sơn Tây. 

Ông tâm sự: Do mê ngành hội họa nên làm đơn thi, thực chất ông không hề biết vẽ và cũng không hy vọng gì trúng tuyển bởi lượng thí sinh dự thi rất đông, toàn Đông Dương khoảng vài trăm người nhưng chỉ tiêu chỉ lấy hơn chục người. Đa phần thí sinh trước khi thi đã học dự bị do họa sĩ Tô Ngọc Vân dạy. Một kỷ niệm làm ông không thể quên rằng ngày đầu, bài thi do Ban giám khảo là hai người Pháp và cụ Lam Sơn họa sĩ người Việt đưa ra đề bài: “Trang trí một đường viền bằng hoa văn màu (tùy thí sinh chọn)”.

Bài làm trong 2 giờ. Mỗi thí sinh được phát cho tờ giấy trắng khổ 50x60cm, mấy lọ bột màu xanh, đỏ, trắng, vàng nâu và hai bút vẽ. Tôn Đức Lượng trang trí khung viền hoa cách điệu hoa hồng bằng bột màu không hề dùng keo. Trong khi nhà trường bố trí một thùng keo da trâu để ngay trong lớp. Khoảng hơn 1 giờ sau ông đã mang bài nộp trước con mắt ngạc nhiên của Ban giám khảo. Không ngờ “phương pháp phá cách” không dùng keo nghiền với bột vẽ lại trở thành đề tài lạ với Ban chấm thi do màu không keo bị loang lổ thành nhiều đường nét hoa rất đẹp và lạ…”. Bài thi của ông được chấm điểm cao do có sáng tạo trong hội họa. Thực chất, lần đầu vẽ bằng bột màu, Tôn Đức Lượng có biết phải nghiền với keo đâu. 

Mọi năm tuyển sinh, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chỉ lấy không quá 10 người, riêng năm đó tuyển chọn tới 15 người trúng tuyển. Ông là người đứng thứ 15. Lứa thí sinh đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật khóa đó có Phan Kế An, Dương Bích Liên, Trần Quốc Ân... Tôn Đức Lượng chưa học hết năm thứ nhất thì Cách mạng tháng Tám thành công, trường giải tán.  

Không còn đi học, Tôn Đức Lượng đã tham gia kháng chiến, là Đội trưởng Đội tự vệ Sơn Tây, sau ông trở về quê nhà Bắc Ninh cùng bà con cướp chính quyền giải phóng quê hương. Năm 1946, Tôn Đức Lượng quay ra Hà Nội hoạt động bí mật cho ông Lê Giảng, Nha Công an Hà Nội, đến năm 1947 trở về địa phương làm Chủ tịch kháng chiến xã. Tháng 9-1948, Tôn Đức Lượng thoát ly đi kháng chiến ở Chiến khu Việt Bắc.

Các tác phẩm hội họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng

Kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời làm báo 

Năm 1948, trong kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Tôn Đức Lượng công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam. Ông cũng là người đưa Mai Nam (em ruột) từ quê nhà theo kháng chiến ở ATK Chiến khu Việt Bắc. Sau này Mai Nam trở thành nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh hoạt động cho Trung ương Đoàn. Năm 1953, khi tờ Tiền phong (tiền thân là Báo Xung phong, Báo Sức trẻ) được thành lập ở ATK Chiến khu Việt Bắc, họa sĩ Tôn Đức Lượng tiếp tục được mời giữ vai trò trình bày, trang trí cho tờ báo. Ông là 1 trong 6 người sáng lập ra tờ Báo Tiền phong bây giờ gồm Nguyễn Nam, Nguyễn Thanh Dương, Tôn Đức Lượng, Lê Quân, Văn Qúy và Mai Nam.

Thời gian này, ông đi thực tế xuống các địa phương vẽ tranh cổ động, tuyên truyền về thu thuế nông nghiệp, ngày mùa thu hoạch lúa, các lớp học bình dân học vụ… Ông cùng ăn, cùng ở với bà con nông dân, lâu nhất có lúc 3-4 tháng ở huyện Hạ Hòa, Ấm Thượng, tỉnh Phú Thọ. Nhớ lại những kỷ niệm xưa, ông nói: “Gian khổ, thiếu thốn, nhưng mọi người đều cảm nhận được hạnh phúc, thắng lợi sắp tới trong một ngày không xa”. Hoàn cảnh cá nhân ông lúc bấy giờ, vợ công tác trong Đoàn thể phụ nữ cách nơi ông công tác 60 cây số, hai vợ chồng một năm gặp được đôi lần. Mỗi chuyến đi đến với nhau là cả một sự vất vả, khó khăn. Ông phải đi bộ cả ngày trời, nhiều khi gặp lũ phải ngủ lại dọc đường nhưng đến được với nhau là hạnh phúc, là niềm vui…

Trong cuộc đời đi theo Cách mạng, nhà báo, họa sĩ Tôn Đức Lượng đã xác định dù gian khổ, thiếu thốn nhưng vững tin vào thắng lợi cuối cùng, vì vậy mọi công việc được giao phó ông đều hoàn thành xuất sắc. Năm 1953, Liên hoan Festival thanh niên thế giới tại Cộng hòa Dân chủ Đức, Việt Nam cử đoàn thanh niên đi dự. Báo Tiền phong ra số đặc biệt, yêu cầu họa sĩ có những bức vẽ về hoạt động liên hoan của Đoàn Thanh niên Việt Nam. Trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ về in ấn, Tôn Đức Lượng đã tìm ra thứ gỗ mềm trong rừng để khắc bản vẽ có kích thước 40x50cm. Ông vẽ ký họa qua lời kể của anh chị em đi dự liên hoan về, rồi cặm cụi 2 ngày liền khắc trên miếng gỗ được 4 bức vẽ sinh động cỡ 9x12 rồi đưa in trên báo. Đó cũng là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của ông trong Chiến khu ATK. 

Bộ ký họa lịch sử để đời

Hòa bình lập lại năm 1954, trở về Hà Nội, Tôn Đức Lượng tiếp tục là họa sĩ trình bày cho tờ Báo Tiền phong đến khi nghỉ chế độ. Những năm chiến tranh chống Mỹ 1971-1972, họa sĩ Tôn Đức Lượng có nhiều chuyến đi sáng tác thực tế vẽ tranh ký  họa, phần lớn vẽ bằng bút máy mực tự chế ở các địa danh: Mỏ than Cổ kênh Chí Linh, Hải Dương, Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, Khu kinh tế Thanh niên Xung phong tỉnh Phú Thọ và Nông trường Mộc Châu.

Sau này, những tác phẩm ký họa của ông về một thời hào hùng trong lịch sử dân tộc được ghi nhận và trân trọng. Năm 2011, một người Thái Lan tên là Tira Vanichteeranont chuyên sưu tầm tranh của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng tìm đến nhà ông mua toàn bộ số tranh ký họa mang về nước. Bộ tranh truyện ký họa của ông về anh hùng Nguyễn Quốc Ân vẽ trong kháng chiến chống Pháp đã được lưu giữ tại “Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore”.

Năm 2013, triển lãm mang tên “Tôn Đức Lượng - ký họa lịch sử” diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM. Trước đó, năm 2010, nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont mang sang Việt Nam một số tác phẩm tranh của danh họa Việt Nam mà ông mua được, mời nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng giúp hoàn thành cuốn sách mỹ thuật, trong đó có số tranh ký họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng cũng được in thành sách và triển lãm năm 2010. Cuốn sách được xuất bản mang tên: “Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam và hiện đại”. Tháng 10-2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, triển lãm đầu tiên về bộ sưu tập và giới thiệu cuốn sách cũng được tổ chức long trọng. 

Trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam, họa sĩ Tôn Đức Lượng có một gia đình hạnh phúc, các con đều trưởng thành và đã có người theo nghiệp cha tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam. Ông là người sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, được các bạn đồng nghiệp trong cơ quan quý trọng. Giờ đây đã bước sang tuổi 93, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và là người họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương duy nhất còn lại ở đất nước Việt Nam. 

Những năm chiến tranh chống Mỹ, họa sĩ Tôn Đức Lượng có nhiều chuyến đi sáng tác thực tế vẽ tranh ký họa, phần lớn vẽ bằng bút máy mực tự chế ở khắp các địa phương. Năm 2011, một người Thái Lan tên là Tira Vanichteeranont chuyên sưu tầm tranh của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng tìm đến nhà ông mua toàn bộ số tranh ký họa mang về nước. Một phần số ký họa này sau đó được giới thiệu trong cuốn sách mỹ thuật “Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam và hiện đại”.