"Người đi qua thung lũng" sẽ đến Hà Nội

(ANTĐ) - Là vở nhạc kịch của Pierre Oser viết cho ca sĩ, diễn viên, vũ công và dàn nhạc lớn, dựa trên phần thoại của Tankred Dorst, với sự cộng tác của Ursula Ehler. Sẽ công diễn lần đầu vào ngày 14/1/2011 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Việt Nam.

"Người đi qua thung lũng" sẽ đến Hà Nội

(ANTĐ) - Là vở nhạc kịch của Pierre Oser viết cho ca sĩ, diễn viên, vũ công và dàn nhạc lớn, dựa trên phần thoại của Tankred Dorst, với sự cộng tác của Ursula Ehler. Sẽ công diễn lần đầu vào ngày 14/1/2011 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Việt Nam.

Sự tich Parzival
Sự tich Parzival

 Đối thoại tiếng Việt và hát tiếng Đức

Vở nhạc kịch này là công trình cộng tác giữa Viện Goethe Hà Nội, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) và Học viện âm nhạc quốc gia. Có thể nói đây là một dự án nhạc kịch lớn, có sự cộng tác giữa Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), Học viện âm nhạc quốc gia, các nghệ sĩ châu Âu và Việt Nam, cùng Viện Goethe Hà Nội nhằm tạo ra điểm kết hoành tráng của loạt sự kiện “Năm Đức ở Việt Nam 2010”.

Vở nhạc kịch dành cho đơn ca, hợp xướng và dàn nhạc lớn này là tác phẩm của Pierre Oser, do nhà văn Đức nổi tiếng Tankred Dorst viết phần thoại. Đạo diễn dày kinh nghiệm quốc tế Beverly Blankenship dàn cảnh và Hans Henning Paar từ Munich sẽ phụ trách biên đạo múa. Họa sĩ sân khấu người Áo Andreas Lungenschmid đảm nhiệm phục trang và cảnh trí, và phần soạn kịch được ủy thác cho nhà soạn kịch Christoph Maier-Gehring người Munich. Ca sĩ Đức giọng nữ trung Silvia Mödden phụ trách kỹ năng phát âm và diễn xuất của các ca sĩ.

"Người đi qua thung lũng" thuật lại câu chuyện mang tính trường cửu và phổ quát về Parzival, chàng trai vô tri vùng ra khỏi vòng tay mẹ mình để “đi qua thung lũng” – để khám phá thế giới. Parzival sát hại các sinh linh và chịu đau khổ, cho đến khi được biết đến tình yêu và sự đồng cảm của mọi người.  Để trình bày câu chuyện đầy kịch tích, xúc động, bay bổng và cuốn hút này, một đội ngũ đông đảo nhạc sĩ, diễn viên và vũ công sẽ lên sân khấu. Phần đối thoại bằng tiếng Việt và các bài hát được thể hiện bằng tiếng Đức (có phụ đề tiếng Việt).

“Người đi qua thung lũng” là một tác phẩm nhạc kịch với quy mô lớn, đồng thời cũng có sự tham gia của các môn nghệ thuật sân khấu có quan hệ mật thiết là diễn xuất và múa. Khán giả sẽ được nghe lời thoại tiếng Việt và các bài hát bằng tiếng Đức (với phụ đề tiếng Việt). Múa, hát và diễn xuất hòa nhập nhuần nhuyễn với nhau. Các cảnh trí sân khấu được tạo dựng bởi nhiều máy chiếu hình, với những hình ảnh rực rỡ sắc màu và phục trang cầu kỳ cũng như ánh sáng được thiết kế tinh tế, sẽ đưa lại cho khán giá Việt Nam một câu chuyện nhiều giai tầng nhưng cũng dễ hiểu, vì nó mang một tính chất phổ quát toàn cầu và tính nhân bản sâu sắc.

Hình ảnh chàng trai Parzival trên nhiều bìa sách văn học các nước
Hình ảnh chàng trai Parzival trên nhiều bìa sách văn học các nước

Kể lại sự tích bằng nhạc

Sự tích Parzival bắt nguồn từ thần thoại châu Âu thời Trung Cổ. Nhiều nguồn kể lại rằng hồi đầu thế kỷ 13 thi sĩ Wolfram von Eschenbach sáng tác ra Trường ca Parzival đầu tiên với nhân vật chính là Parzival và cuộc truy tầm chiếc bát thiêng, cuộc phiêu lưu của kị sĩ Gawain oai phong và truyền thuyết thêu dệt quanh nhân vật lừng danh Artus (vua nước Anh) và bữa tiệc của Người. Sự tích này được sử dụng trong vô số tác phẩm văn học, kịch nói, ca kịch và điện ảnh. Được biết đến nhiều nhất có lẽ là “Lễ hội sân khấu cúng tế Parzifal” của Richard Wagner.

Cốt truyện nói về Parzival, một đứa bé ngô nghê và hoang dã nhưng hiếu chiến, sống một mình với mẹ là  Herzeloide trong rừng rậm. Xuất phát từ ký ức đau thương – chồng hy sinh trong chiến trận – Herzeloid cố tìm cách để Parzival tránh khỏi mọi hiểm họa, thất vọng, chiến tranh và chết chóc, và do đó bà không cho con trai tiếp xúc với xã hội loài người.

Nhưng tình cảnh cô đơn khiến Parzival không được học cách yêu thương, học phân biệt thế nào là đúng và sai. Khi được biết cha ông mình từng là chiến binh, nó muốn theo đuổi lý tưởng đó và tiến vào con đường phiêu lưu. Nó chỉ muốn phụng sự một chỉ huy tối cao, và cuộc tìm kiếm ấy đã để lại bao hoang tàn, đau thương và chết chóc. Phù thủy Merlin thông thái và ranh mãnh cũng như kị sĩ Gawain thông minh và đồng cảm đã nối gót Parzival trên con đường tìm kiếm ấy, vì cả hai đều biết rõ những đức tính và khả năng đặc biệt của Parzival. Rồi dần dần Parzival ngộ ra rằng sự hủy hoại mù quáng chẳng đưa nó được tới đích, mà chỉ làm nó yếu đi.

Chỉ đến khi chàng trai biết thương cảm với chính mình và những người khác, nhận ra tính người trong mình và xã hội xung quanh, lúc đó con đường mới rộng mở và đưa Parzival đến với Blanchefleur – người phụ nữ mà anh yêu say đắm.

Đó là câu chuyện về “người hùng” Parzival gần gũi với chúng ta, cho dù ban đầu có ngờ nghệch, song cũng đầy những trải nghiệm đau đớn, buồn thảm, cảm thông, tình yêu, hạnh phúc và giác ngộ. Một câu chuyện đi vào tâm can, đáng làm ta động lòng, song cũng đưa lại ngạc nhiên, tươi vui và những tiếng cười sảng khoái.

Những gương mặt làm nên "Người đi qua thung lũng"

Nhà soạn nhạc, chỉ huy và nhạc sĩ Pierre Oser
Nhà soạn nhạc, chỉ huy và nhạc sĩ Pierre Oser

Một người quen đầu tiên phải kể đến là nhà soạn nhạc, chỉ huy và nhạc sĩ Pierre Oser đã từng viết nhạc cho vở kịch “Bà tỉ phú về thăm quê” (công diễn 2006 tại Hà Nội). Ông đã làm việc ở nhiều nhà hát tiếng Đức nổi tiếng với tư cách soạn nhạc và chỉ huy, sáng tác nhạc cho phim câm, kịch truyền thanh, sách thu âm, phim và vô tuyến truyền hình, và là một nhạc trưởng và nhạc sĩ được trọng vọng khắp thế giới. Và lần này ông tiếp tục đến với Hà Nội để dàn dựng "Người đi qua thung lũng".

Tác giả lời thoại của vở diễn này là Tankred Dorst, sinh năm 1925 ở Đức. Ông là một trong những tác giả viết tiếng Đức danh tiếng và có tác phẩm được biểu diễn khắp thế giới. Tankred Dorst có một lượng đồ sộ các tác phẩm kịch sân khấu, lời nhạc kịch, văn xuôi, kịch truyền thanh, kịch bản phim và phê bình văn học. Ông được nhận nhiều phần thưởng cao quý trong sự nghiệp sáng tác lâu dài của mình. Từ khi viết tác phẩm “Merlin và mảnh đất hoang tàn” đồ sộ và được biểu diễn nhiều lần (lần đầu tiên ra mắt 1981 ở Düsseldorf), ông đã tiếp cận với cốt truyện Parzival nhiều lần và với nhiều phương cách. Vợ ông, bà Ursula Ehler, đã hỗ trợ ông rất nhiều trong vở “Người đi qua thung lũng” này, như vẫn luôn luôn cộng tác với chồng từ nhiều thập kỷ.

Với "Người đi qua thung lũng", nhà soạn nhạc Pierre Oser sẽ tự tay chỉ huy và tập dượt phần âm nhạc ở Hà Nội. Người hỗ trợ ông là ca sĩ nữ trung Silvia Mödden, ca sĩ người Đức này sẽ là người kiêm cả phụ trách kỹ năng phát âm và diễn xuất của các ca sĩ.

Còn Beverly Blankenship là một nữ đạo diễn gặt hái nhiều thành công về kịch và ca kịch trong các nhà hát ở các nước nói tiếng Đức, bên cạnh đó bà còn giảng dạy diễn xuất và viết kịch bản. Khi đạo diễn vở “Người đi qua thung lũng” này, bà được hỗ trợ bởi biên đạo múa Hans Henning Paar (Đức), họa sĩ sân khấu kiêm sáng tác phục trang và thiết kế ánh sáng Andreas Lungenschmid (Áo) cũng như nhà soạn kịch Christoph Maier-Gehring (Đức).

Đóng vai trò chủ đạo của việc tạo dựng "Người đi qua thung lũng" còn là các nam nữ ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên và vũ công. Các "nhân tố" này đều là người Việt Nam, được lựa chọn từ Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) và Học viện âm nhạc quốc gia.

Phú Duy