Quảng Trị:

Người dân điêu đứng vì nước thải nhà máy tinh bột sắn

ANTĐ - Nước thải từ nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng xả ra môi trường đã làm nhiều diện tích lúa, hoa màu, việc chăn nuôi của bà con nhân dân thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cá tôm, ếch nhái, ốc bươu trong đồng ruộng, ao, hồ cũng chết hàng loạt...

Cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của 160 hộ dân nơi đây đã rơi vào tình trạng điêu đứng bởi nạn ô nhiễm nước thải từ nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng. Sự bức xúc của bà con kéo dài đã nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Được xây dựng cách đây khoảng 10 năm, Nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng đóng trên địa bàn huyện Hải Lăng, Quảng Trị đã góp phần tích cực vào việc tiêu thụ nguyên liệu sắn và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đằng sau những cái lợi trước mắt đó thì hậu quả về môi trường do nhà máy này để lại cũng vô cùng nặng nề và dai dẳng. Có mặt tại thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm - nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước thải không được xử lý hoặc xử lý sơ sài, chúng tôi được nghe rất nhiều bức xúc của bà con xung quanh chuyện nhà máy xả nước thải bừa bãi, gây ảnh hưởng đến sản xuất cũng như sức khoẻ của họ.

Bà Trần Thị Thiện ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm bức xúc cho hay: “Nhà tôi ở gần nhà máy sắn, trước đây tôi trồng cây gì cũng phát triển tốt, nuôi con gì cũng lớn nhanh, nhưng kể từ khi nhà máy sắn được xây dựng tại đây, họ làm cống thải nước ra hướng ngay nhà tôi nên nguồn nước bẩn làm cây trồng nhà tôi chết hết, còn gà vịt, heo… uống nước thải của nhà máy cũng còi cọc rồi chết dần chết mòn. Đó là chưa nói đến mùi hôi thối mà gần 10 năm nay người dân chúng tôi phải hít thở hàng ngày từ nhà máy sắn. Bà con chúng tôi chịu không nổi tình trạng này. Dù chúng tôi đã rất nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết dứt điểm nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến gì”.     

 

       Nhiều sinh vật tự nhiên bị chết do ô nhiễm từ nước thải của nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng                      

Không riêng gì gia đình bà Thiện, gia đình ông Đỗ Khiêm Dượng ở thôn Xuân Lâm cũng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề do nước thải từ nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng. “Gia đình tôi làm 3 ha ruộng nhưng từ nhiều năm nay luôn chịu cảnh thất thu do ảnh hưởng từ nguồn nước thải ô nhiễm của nhà máy sắn đổ trực tiếp ra phần ruộng của tôi. Những năm trước khi chưa có nhà máy sắn, mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch trên 55 tạ thóc/ha, nhưng năm nay đang trong thời kì thu hoạch nhưng 3 ha ruộng lúa của tôi lại bị nước thải của nhà mày tinh bột sắn Hải Lăng đổ trực tiếp ra làm cho cây lúa thối hoàn toàn, đành chấp nhận mất trắng”, ông Dượng đứng bên mảnh ruộng bốc mùi hôi nồng nặc bức xúc cho biết.       

Khu vực ruộng tại thôn Xuân Lâm bị ô nhiễm nặng   

Người dân thôn Xuân Lâm ở đoạn gần nguồn nước thải của nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng lo lắng cho biết, gần mười năm qua họ không dám trồng bất cứ loại cây hay nuôi con vật nào. Bởi khi tới mùa mưa lũ nguồn nước thải ô nhiễm của nhà máy làm cho tất cả các loại cây trồng thối thân và rễ; còn vật nuôi cứ uống nước này thì cũng chết dần khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người dân thôn Xuân Lâm đã dẫn chúng tôi men theo con đường đất đỏ để vào tận khu xử lý nước thải của nhà máy. Nói là “khu xử lý” nhưng thực ra đó chỉ là 4 cái hồ được đào đắp bằng đất thông với nhau, nằm khá sát với khu vực ruộng Hóc Đưng của người dân.

Nước thải của nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng bốc mùi hôi nồng nặc

Vậy mà với nguồn nước đặc quánh ở hồ chứa nước thải lại được nhà máy sắn trưng bày tấm biển “hồ nuôi cá thử nghiệm, cấm đánh bắt”.

“Chuyện nhà máy trưng biển “nuôi cá” ngay trên hồ chứa nước thải thật là nực cười. Ngay cả khi nước thải xả ra ngoài đã loãng hơn mà ốc bươu, cá mú, cây cối đều chết sạch thì không hiểu có con cá nào sống được trong cái hồ ấy”, nhiều người dân thôn Xuân Lâm bức xúc cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, sau khi nước thải được “lọc” qua các hồ sẽ được xả ra ngoài theo một mương nước nhỏ cũng được đào đắp bằng đất rồi đổ thẳng ra sông Nhùng. Dù đã là “sản phẩm” cuối cùng của quá trình xử lý nhưng dòng nước này vẫn đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc không chịu nổi.

Ông Ngô Văn Phước, 51 tuổi vừa chỉ tay vào dòng nước đen đặc, bốc mùi thối kinh khủng, nói: “Không biết người ta xử lý thế nào nhưng khi xả ra ngoài nước vẫn đen thui, sủi bọt trắng xoá và mùi thì hết chịu nổi luôn. Cách cả cây số nhưng người dân chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi hôi thối rất nặng. Tình trạng này mà còn kéo dài chắc người dân chúng tôi bị bệnh hết mất thôi”.         

                         Cống nước xả thải của nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng                                     

Điều đáng nói là mương nước thải nói trên lại chạy song song và chỉ cách bờ ruộng của người dân khoảng chừng 2 mét. Và hầu như số ruộng nằm sát mương nước thải này không thể sản xuất, nếu có sản xuất thì cũng thất thu. Theo ông Nguyễn Quốc Định, Bí thư chi bộ thôn Xuân Lâm thì việc xả thải của nhà máy đã khiến cho khoảng 30 ha lúa của thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng, năng suất sụt giảm nặng, trong đó có 3 ha ruộng Hóc Đưng gieo năm vừa qua đã bị chết sạch, chẳng thu được gì. Ngoài ra 7ha mặt nước nuôi cá của người dân cũng bị ô nhiễm nặng do nước thải nhà máy tinh bột sắn này. Ông Định cũng ngán ngẩm cho biết, mỗi năm thôn đều xin gặp, làm việc với lãnh đạo nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng 3 đến 4 lần, đồng thời thôn cũng đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên các cấp giải quyết nhưng sự việc đâu rồi lại vào đấy, cơ quan chức năng thì thờ ơ còn nhà máy thì cứ chây ì ra đó nên chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai!         

“Đã 10 năm rồi người dân chúng tôi đã phải khổ sở với nạn ô nhiễm từ nhà máy sắn. Ngoài việc không sản xuất được, khoảng 50% trong tổng số 720 khẩu của thôn Xuân Lâm hàng ngày phải hít mùi hôi thối từ nguồn nước ô nhiễm này thì không biết sức khoẻ sẽ ra sao. Ai dám chắc chúng tôi không bị bệnh tật, ai đảm bảo đời sống kinh tế cho chúng tôi do hậu quả của ô nhiễm. Ai sẽ phải đền bù những thiệt hại về kinh tế, về sức khoẻ mà người dân chúng tôi đang phải gánh chịu hàng ngày?”, nhiều người dân thôn Xuân Lâm chất vấn trong chua xót.