Người chuyên đi xin tóc để “vẽ” bức tranh Phật lớn nhất Việt Nam

ANTĐ - Kim Quý được biết đến không chỉ là một trong những người làm tóc đầu tiên ở Hà Nội mà chị còn là người đã tạo ra bộ áo dài bằng tóc có một không hai ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Sau bộ áo dài tóc, Kim Quý lại tập trung cho một niềm đam mê khác của mình cũng từ tóc, đó là làm tranh. Hiện nay chị  đang dồn hết tâm sức của mình để hoàn thành một dự án độc đáo: bức tranh Phật bà Quán thế âm Bồ Tát bằng tóc lớn nhất từ trước đến nay.

“Xưởng nghệ thuật” của chị là không gian ngoài trời trên gác thượng ngôi nhà nằm sâu trên con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Siêu (Hà Nội). Hơn 1 năm nay kể từ khi chị bắt tay vào dự án mới này chị gần như dồn toàn bộ tâm huyết cho công việc. Dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng có những lần chị làm việc liên tục 27 tiếng đồng hồ không nghỉ ấy vậy mà vẫn mạnh khỏe. Chị tâm niệm, có lẽ là do có Đức Phật phù hộ nên mình mới có sức khỏe và sự tỉnh táo để làm việc như vậy. 

Sở dĩ Kim Quý chọn thể hiện một bức tranh về Đức Phật là vì tận sâu trong tâm khảm mình chị nghĩ rằng mình có một mối lương duyên với nhà Phật. Năm chị 12 tuổi, bà ngoại của Kim Quý đi tu tại chùa Vẽ (Hải Phòng) chị theo bà lên chùa sống trong hơn 2 năm. Quãng thời gian ấy đối với Kim Quý chị được học về kinh Phật, được ngấm trong mình những triết lý của nhà Phật. Mười lăm tuổi rưỡi, chị viết huyết thư để được xin vào bộ đội. Những năm tháng chống Mỹ ác liệt, chị bảo có những lúc chị tránh được hòn tên mũi đạn bằng những may mắn đến kỳ lạ mà không thể giải thích nổi, những lúc như vậy Kim Quý thường cho rằng mình đã được Đức Phật phù trợ. Tuy nhiên, ý tưởng làm một bức tranh Đức Phật bằng tóc chỉ thực sự đến với Kim Quý sau một biến cố xảy ra. Ngẫm lại những câu chuyện xảy ra giữa sự sống và cái chết, giữa hư và thực, Kim Quý mới quyết định mình phải vẽ một bức tranh Phật bà bằng tóc. Và kể từ khi làm bức tranh đó chị thấy mình như “nhất tâm với Phật”, Kim Quý ăn chay trường và mỗi khi sáng tác là chị lại bật các băng tụng kinh của nhà Phật để cho không gian trở nên thanh tịnh lại.

Số tóc Kim Quý thu thập được từ khách hàng khi đến cắt tóc, làm đầu ở cửa hàng trong suốt 30 năm làm nghề chị đã sử dụng để làm bộ áo dài, chính vì vậy khi làm bức tranh Phật bằng tóc, chị gần như phải làm lại từ đầu. Và công việc đầu tiên của chị là đi… xin tóc. Ngoài việc để có thêm nguyên liệu cho công việc thì nó còn có thêm một ý nghĩa khác. Kim Quý tâm sự: “Nếu như khi đan chiếc áo dài bằng tóc, tôi muốn được sử dụng tóc của phụ nữ ở 54 dân tộc, để thể hiện sự gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung dòng máu Lạc Hồng. Thì ở bức tranh Đức Phật tôi muốn xin được tóc của nhiều người nhất có thể với một mong muốn mọi người đều “nhất tâm hướng Phật…”. Học sinh của chị cũng tỏa đi khắp nơi xin tóc gửi về cho thầy. Biết được ý định của Kim Quý, đã có rất nhiều người tặng tóc qua bưu điện cho chị hoặc đến tận nơi kèm theo những lời động viên, tin tưởng. 

Trong hơn một năm chị tạo hình bức tranh đức Phật bà từ tóc, có những câu chuyện của những người hiến tóc mà chị bảo rằng mình sẽ mãi mãi không bao giờ quên. Đó là một người ăn mày hơn 30 năm xin ăn ở quanh khu phố nơi chị ở, khi biết Kim Quý đang làm bức tranh đã tự nguyện cắt mái tóc của mình để gửi đến chị. Rồi trường hợp của một người phụ nữ tên Hoạt năm nay đã gần 70 tuổi, Kim Quý gặp bà Hoạt trong một lần lang thang ở Hồ Gươm, nghe qua câu chuyện của Kim Quý, bà Hoạt đã về nhà lấy mớ tóc cắt từ thời thiếu nữ khi bà mới 20 tuổi và đã cất giữ hơn 50 năm qua để tặng lại. Rồi có những người bạn từ Pháp đã âm thầm đi xin tóc rồi gửi về cho Kim Quý. Tuy nhiên số tóc xin được vẫn không đủ để giúp Kim Quý hoàn thành tác phẩm, chị sau đó đã phải nhờ người đặt mua thêm 6 cân tóc để có thể tiếp tục công việc của mình. 

Kim Quý là một trong những người đầu tiên làm tranh bằng vật liệu tóc. Bức tranh Phật bà là một bức tranh bằng tóc lớn nhất mà Kim Quý đã từng làm với khổ tranh 1,5mx2m. Để có thể sử dụng được tóc làm tranh, Kim Quý phải tỉ mẩn phân loại tóc đồng thời xử lý những sợi tóc đen nhuộm màu thành những màu cơ bản khác nhau trong hội họa, sau đó mới tiến hành ghép chúng lại theo từng chi tiết nhỏ bằng một loại keo đặc biệt. 

Là một người đam mê hội họa và nghệ thuật nhưng Kim Quý chưa từng học qua một trường lớp nghệ thuật nào. Những vốn về nghệ thuật mà chị có được hầu hết đều phải tự học qua sách vở và qua những người bạn là nghệ sĩ, từ bố cục, ánh sáng cho đến tỷ lệ… nhưng khó khăn nhất vẫn là việc tạo màu cho tóc. Nếu không phải là một người có nhiều năm kinh nghiệm với tóc như Kim Quý thì sẽ khó có thể nhuộm màu cho tóc lên được đúng màu sắc như mong muốn. 

Kim Quý cho biết, bức tranh Đức Phật Quán thế âm Bồ Tát hiện nay mới chỉ hoàn thành được 50% theo ý đồ của chị. Chị bảo “Bức tranh Phật bà Quán thế âm Bồ Tát làm bằng tóc đó là phần linh cốt của con người vì thế nó khác với những chất liệu khác (gỗ, vàng, đồng hay ngọc…) vì vậy khi làm tác phẩm này tôi luôn mang theo một tâm niệm, một tấm lòng với Tổ quốc Việt Nam với ý nghĩ bức tranh Phật bà sẽ phù hộ cho quốc thái dân an… ”.