- Những mảnh đời "khát" hai tiếng Mẹ ơi
- Hành trình đi đến niềm tin
- "Bà khùng" bỏ tiền tỷ đi nuôi… người dưng
Tình thương không bờ bến
Nhiều năm qua, bằng tình thương, chị Thúy đã giúp những mảnh đời kém may mắn có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, vươn lên trong cuộc sống. Tôi gặp chị Thúy ở Trung tâm Bảo trợ xã hội ngoài công lập Hoa Sen, lúc chị với những đứa con nhỏ đang lập kế hoạch tổ chức trại hè. Trung tâm bảo trợ xã hội này được thành lập từ năm 2012, nằm trong khuôn viên nhà khách Tịnh Tâm Viên Homestay thuộc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ Voyage au Vietnam do gia đình chị quản lý.
Trung tâm được xây dựng khá đẹp, sạch sẽ và khang trang, với 2 khu nhà riêng biệt dành cho nam và nữ. Mỗi nhà rộng khoảng 100m2 được thiết kế hợp lý gồm 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 phòng ăn. Đặc biệt, chị còn cho xây một thư viện 2 tầng cho các em đọc sách. Thư viện hiện có khoảng 4.000 đầu sách với 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp. Chị luôn tìm tòi, sưu tầm những cuốn sách hay, để các em trong giờ giải lao hay sau buổi học sẽ có thêm tri thức, thông tin bổ ích. Biết lúc nhỏ các em không được học hành nhiều nên chị luôn tạo điều kiện cho các em học tập một cách tối đa cũng như kèm cặp dạy dỗ các em.
Nhìn cơ ngơi này, ai nấy cũng khâm phục hai vợ chồng chị, bởi anh chị đã dồn hết sức lực, vốn liếng biến vùng đất cỏ tranh mọc lút đầu, rậm rạp, không lối đi này thành một nhà vườn đẹp ven sông Bạch Yến, dưới những tán thanh trà thơm mát và trĩu quả. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 30 em từ 4 đến 20 tuổi, thuộc diện mồ côi, bị bạo hành, khuyết tật, gia cảnh khó khăn… Để chăm lo cho các em, mỗi tháng gia đình chị phải chi hơn 40 triệu đồng cho các khoản chi phí ăn ở, sinh hoạt và học phí.
Chị Thúy tâm sự: “Những em nhỏ ở đây, đứa nào cũng thiếu tình yêu thương gia đình. Vì vậy, mái nhà chung này mong muốn có thể lấp đầy những khoảng trống, chia sẻ và làm lành những nỗi đau tâm hồn cũng như thể xác của các em. Lúc mới thành lập trung tâm nhận nuôi các em, tôi cũng rất lo lắng, bởi tôi còn trẻ mà các em thì đang tuổi ăn tuổi lớn, sợ nói các em không nghe. Nhưng bọn trẻ nhìn vậy chứ ngoan lắm, rất biết vâng lời lại chăm học. Mỗi ngày không nhìn thấy chúng là tôi nhớ lắm. Chúng nó là con của mình mà”. Gặp chị Thúy ai cũng ấn tượng bởi sự thân mật và cách nói chuyện dí dỏm, hài hước. Mặc dù bận rộn với công việc nhưng chị vẫn luôn dành thời gian để đến trung tâm nhắc các em học bài, kiểm tra bài của các em, cùng vui chơi, trò chuyện, chia sẻ với các em nên trung tâm lúc nào cũng rộn vang tiếng cười.
Chị coi những đứa trẻ trong trung tâm như con đẻ mình. Chị luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em hòa nhập cộng đồng, không còn mặc cảm trong xã hội, tạo không khí ấm cúng ở trung tâm để các em cảm nhận không khí gia đình. Những ngày lễ Tết chị thường tổ chức cho các em đi chơi, đi tắm biển. Với chị, nhìn thấy các con vui là chị mãn nguyện rồi. Vấn đề sức khỏe của các con cũng được chị rất quan tâm, khi thường xuyên tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để kiểm tra định kỳ và khám sức khỏe cho các con.
Làm từ thiện, giúp đỡ hàng trăm người nghèo
Em Nguyễn Thị Ly (hiện đang là sinh viên trường ĐH Khoa học Huế), người chị cả trong trung tâm kể: “Lúc mới đến đây, em thấy lạ và rất cô đơn, nhưng sau khi gặp mẹ Thúy em thấy nơi đây như gia đình mình vậy. Trông người mẹ Thúy mảnh khảnh, trong khi bọn em đứa nào cũng tuổi ăn tuổi lớn lại quậy phá, nên em sợ mẹ Thúy chịu không nổi, thế nhưng mẹ vẫn làm được hết mọi chuyện. Cái áo, cái quần bọn em mặc đều một tay mẹ Thúy lo cho. Mẹ rất nghiêm khắc khi chúng em phạm lỗi, nhưng cũng rất gần gũi, yêu thương, chia sẻ với chúng em khi có chuyện buồn”.
Không chỉ những đứa trẻ, mà các bảo mẫu ở trung tâm cũng đều là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được chị Thúy tạo điều kiện cho ăn, ở và làm việc tại trung tâm. Chị Nguyễn Phương, một bảo mẫu ở trung tâm cho biết: “Trước đây gia đình éo le, chồng suốt ngày cờ bạc, rượu chè, đánh đập hai mẹ con tôi. Hai mẹ con tôi phải lang thang kiếm sống, không có nhà, sống tạm bợ trong các ngôi miếu hoang, nhà thờ… Nhờ chị Thúy mà mẹ con tôi được đến ở mái nhà ấm cúng này. Mỗi tháng, tôi còn được nhận tiền lương 2 triệu đồng. Lòng tốt cô Thúy, cả đời này mẹ con tôi không trả hết”.
Chị Thúy kể, gia đình chị lúc trước cũng rất khó khăn, bố chị làm thuê, làm mướn khắp nơi, mẹ thì nhờ gánh hàng rong để kiếm cái ăn cho qua ngày. Dù khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cho ba chị em đi học. Tốt nghiệp trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ khoa tiếng Pháp năm 1999, chị Thúy xin vào làm biên dịch, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch cho một công ty lữ hành ở Huế và dạy tiếng Pháp cho tổ chức từ thiện Việt - Pháp tại Huế. Khi làm việc ở tổ chức từ thiện, được đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh éo le, chị tâm niệm sẽ thành lập một cơ sở bảo trợ xã hội để giúp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2004, với kinh nghiệm có được, chị quyết định tự mở công ty lữ hành và bắt đầu thực hiện nhiều dự án từ thiện. Mãi đến năm 2012, khi công việc ổn định chị mới có điều kiện thành lập trung tâm bảo trợ xã hội, thực hiện tâm niệm ấp ủ bấy lâu.
Ban đầu trung tâm chỉ có 10 người, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng dần dần tiếng lành đồn xa nên nhiều nhà hảo tâm cũng đã tìm đến để giúp đỡ. Nhiều năm qua, chị Thúy lặn lội trên khắp nẻo đường làm tự thiện giúp đỡ hàng trăm người nghèo, nhất là khu dân cư tái định cư vạn đò. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng các em ở trung tâm, hiện chị còn hỗ trợ tiền học phí, đồng phục, sách vở cho hơn 500 cháu là con em vạn đò có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi ở các phường Phú Hiệp, Phú Hậu, Hương Sơ (TP Huế) và phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Mỗi cháu bình quân hàng năm được nhận 2 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Trà, cán bộ phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà cho hay: “Chị Thúy là người có tấm lòng nhân ái, đã bao bọc, giúp đỡ, cưu mang những trẻ em nghèo, vô gia cư, mồ côi… Chị Thúy luôn hết lòng làm việc thiện, hễ nghe ai cần giúp đỡ là chị mở rộng vòng tay che chở. Không những thế chị còn tích cực tham gia các công tác khuyến học tại địa phương, vận động gia đình cho các con đi học, khuyến khích trẻ em bỏ học quay lại trường. Thấy hoàn cảnh trẻ em vạn đò trên địa bàn phường Hương Hồ ở độ tuổi đi học mẫu giáo mà không được đến trường, bởi bố mẹ làm nghề chài lưới, suốt ngày lênh đênh trôi nổi trên sông nước, chị đứng ra mượn nhà văn hóa thôn Thọ Khương và bỏ tiền trả lương cho 2 cô giáo và 1 cấp dưỡng để mở lớp mẫu giáo cho 50 em từ 3 - 5 tuổi theo học”.
Hiện nay, ngoài dịch vụ tham quan du lịch và nhà nghỉ, công ty của chị đã mở thêm nhiều tour du lịch trải nghiệm. Để giúp nhiều người nghèo có thêm thu nhập, chị đã liên kết với họ để tổ chức các tour homestay như đi câu cá trên sông và đem bán ở chợ quê; cùng nông dân lên nương hái rau, bẻ bắp... Nhờ vậy, nhiều nông dân tham gia làm du lịch đã có được nguồn thu đáng kể. Với những việc làm của mình, chị Thúy chỉ hy vọng những đứa trẻ đang sống và lớn lên trong mái ấm tình thương của chị sẽ biết cố gắng, sống có nghị lực để vượt qua số phận, sau này trở thành những người có ích cho xã hội, như thế là chị thấy vui và hạnh phúc lắm rồi.