"Bà khùng" bỏ tiền tỷ đi nuôi… người dưng

ANTĐ - Không ít người gọi bà Nguyễn Thị Nguyệt (xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là “bà khùng” vì bà dám bỏ ra cả tỷ đồng để xây dựng trung tâm bảo trợ. Tuy nhiên, với bà Nguyệt thì đó lại là tất cả niềm vui, niềm hạnh phúc mà bà đang có.

"Bà khùng" bỏ tiền tỷ  đi nuôi… người dưng ảnh 1Bà Nguyễn Thị Nguyệt cùng các cháu nhỏ

Nuôi người thiên hạ 

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Nguyệt vào một buổi xế chiều. Dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng người phụ nữ với dáng người thấp nhỏ, nước da bánh mật lúc nào cũng thoăn thoắt với công việc. Bà Nguyệt sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều bất hạnh. Bố mất sớm do bệnh nặng, dù nhà nghèo, quanh năm đói ăn nên việc giúp người dưng đến với bà như là duyên số.

Năm 21 tuổi khi còn là một cô gái chưa chồng, trong một lần đi rừng, bà Nguyễn Thị Nguyệt phát hiện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong tình trạng thương tích đầy mình. Động lòng trắc ẩn, bà đưa đứa bé vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên chữa trị và sau đó giữ lại nuôi như chính con ruột của mình. Hai năm sau, lại có một đứa trẻ nữa được ai đó đặt trước cửa nhà bà. Dù tuổi đời còn rất trẻ, cuộc sống cũng chẳng dư giả gì nhưng bà vẫn quyết tâm nuôi nấng 2 đứa trẻ thành người. Ít lâu sau bà còn nhận thêm 2 người con nuôi nữa, tất cả đều do các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhờ bà giúp. 

Và cứ thế cuộc đời bà tiếp tục với 4 người con nuôi mà không đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Nhắc đến đây, đôi mắt bà rưng rưng: “Là phụ nữ ai mà chẳng mong ước có một mái ấm gia đình. Ai mà chẳng muốn làm vợ ngoan, làm mẹ hiền. Nhưng những điều đó không phải là tất cả. Tôi sợ nếu như mình lấy chồng, làm sao nuôi con nuôi, làm sao vẹn cả đôi đường được. Từ đó mà tôi từ bỏ hẳn ý nghĩ lấy chồng trong đầu. Số phận mình nó đã an bài như vậy nên tôi cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều”. 

“Bà khùng” và những mảnh đời bất hạnh

Ngày mà các con thành đạt cũng là lúc bà Nguyễn Thị Nguyệt bắt đầu thực hiện ý tưởng đã nung nấu bấy lâu. Đó là lấy số tiền mấy chục năm dành dụm được đem ra xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội mang tên Hường - Hà - Nguyệt (Hường, Hà là tên hai người con gái nuôi đầu tiên của bà). Trung tâm trở thành nơi nuôi dưỡng những người già không nơi nương tựa, những trẻ nhỏ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh.

Số tiền xây dựng trung tâm lên đến hàng chục tỷ đồng, vượt dự tính ban đầu khiến bà Nguyệt phải vay mượn ngân hàng để tiếp tục xây dựng và lấy kinh phí để duy trì hoạt động. Vì là trung tâm tư nhân nên mọi việc đều phải do bà tự xoay xở. Ngoài kinh phí xây dựng mỗi tháng bà còn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để duy trì hoạt động của trung tâm. Chứng kiến việc làm của bà, không ít người đã gọi bà là “bà khùng” vì tự nhiên bà lại đem hết tiền bạc với bao công sức  để đi nuôi… người “dưng”. Tuy nhiên, khi nhắc đến chuyện này thì bà chỉ cười: “Âu cũng là duyên số. Thôi thì coi đó vừa là niềm vui cho chính mình, vừa là để tạo phúc lộc cho con cháu”.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, rồi có được một gia tài kha khá, nhưng sau đó lại “đổ” hết vào trung tâm bảo trợ xã hội, thực sự là một điều mà không phải ai cũng làm được. Thế nhưng với bà Nguyệt, thì đó là một điều hết sức giản đơn. Có rất nhiều người có số phận đặc biệt đến với bà Nguyệt như cái duyên, cái số vậy. Trung tâm bảo trợ xã hội do bà Nguyệt xây dựng hiện có 18 cụ già, 7 cháu nhỏ, 5 quản lý và bảo mẫu. Các cháu nhỏ đang được nuôi dưỡng tại đây hầu hết đều có những hoàn cảnh hết sức đáng thương.

Bà Nguyệt nhớ nhất trường hợp của Nguyễn Xuân Thành ở với bà từ lúc còn đỏ hỏn, cho đến nay đã hơn 3 tuổi. Cháu bị mẹ bỏ rơi ở cầu thang bệnh viện, khi được phát hiện cháu Thành lúc này đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Sau khi chữa trị cho cháu nhưng không tìm được người nhà, đại diện bệnh viện đã gọi bà đến để nhận cháu về nuôi. Một trường hợp khác cũng sống với bà từ khi mới lọt lòng cho đến nay cũng gần 4 tuổi đó là cháu Nguyễn Xuân Tình. Tình bị mẹ bỏ rơi ở Bệnh viện huyện Đồng Hỷ. Theo các bác sĩ kể lại, mẹ cháu bị nhiễm HIV. Bà Nguyệt đã nhận Tình về nuôi và chăm sóc cho cháu đầy đủ. Và một điều thật may mắn là sau nhiều lần kiểm tra, Tình đều âm tính với HIV. 

Không chỉ nhận chăm sóc cho những hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyệt còn nhận nuôi cả những cháu bé bị bỏ rơi ở những địa phương khác. Hôm chúng tôi đến thăm, còn được gặp cả cháu Phượng người Cao Bằng. Bố mẹ cháu đều đã mất, người thân cũng không còn, cháu được bà Nguyệt nhận về nuôi cũng đã gần hai năm nay. Trong số rất nhiều câu chuyện ở trung tâm bảo trợ xã hội, có một câu chuyện mà bà Nguyệt vẫn nhớ mãi như một kỷ niệm đẹp mà bà luôn mong muốn nó sẽ còn lặp lại nhiều lần.

Đó là lần bà Nguyệt tình cờ nghe nói có cô gái trẻ quê tại Bình Phước đang lâm vào hoàn cảnh éo le. Cô gái này trót dại có thai nhưng lại không có người thân thích ở tỉnh Thái Nguyên. Cô gái muốn về quê nhưng lại không muốn mọi người ở làng biết mình đang mang thai. Vì vậy, cô sẽ đem đứa bé cho một người nào đó ở Thái Nguyên để nhận làm con nuôi. Khi nghe xong câu chuyện, bà Nguyệt hình dung ngay tới trường hợp xấu nhất là cô gái đó có thể sẽ gặp phải đường dây buôn bán người sang Trung Quốc. Ngay lập tức bà Nguyệt đã tìm đến cô gái trẻ đó và đón đứa bé về trung tâm để chăm sóc.

Không những vậy, khi biết được hoàn cảnh của cô gái, bà Nguyệt còn cho một khoản tiền để cô gái về quê sinh sống. Bẵng đi một thời gian, trong một ngày gần đây cô gái đã cùng chồng và gia đình trở lại trung tâm xin nhận lại đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Cô gái tâm sự, sau khi trở về quê cô đã phải sống trong sự dày vò ân hận, vì đã cho đi đứa con của mình, nên quyết định sẽ quay trở lại để đón cháu bé về nuôi. Nghe xong câu chuyện, bà Nguyệt đã trao lại cháu bé cho gia đình cô gái với tất cả niềm hạnh phúc khi thấy họ được đoàn tụ.

Ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của bà Nguyệt, ngoài những cháu nhỏ bị bỏ rơi còn có nhiều trường hợp là người già không nơi nương tựa, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có những cụ bị liệt người, không nói được, mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự lo. Bình thường mọi việc ở trung tâm đều có nhân viên đảm nhiệm, tuy nhiên do số người được đưa về Trung tâm bảo trợ ngày một đông nên nhiều khi bản thân bà Nguyệt cùng các con đã phải tự tay chăm sóc, giặt giũ, nấu nướng… cho các cụ già, các cháu nhỏ ở đây. Tâm sự với chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Phương (người xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên) nói: “Năm nay tôi cũng đã gần 80 tuổi, con cái thì ở xa nên đã xin lên đây ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của chị Nguyệt đã được hơn 2 năm nay.

Ở đây tôi được chăm lo cho rất chu đáo, từ cái ăn, cái mặc, rồi đến cả đời sống tinh thần. Chị Nguyệt luôn chăm lo cho mọi người ở đây từng tí một và luôn nghĩ cho người khác nhiều hơn cho mình”. Từ khi thành lập Trung tâm bảo trợ xã hôi đến nay đã có 3 cụ già đã qua đời ở trung tâm vì tuổi cao sức yếu, trong đó có cụ 101 tuổi. Bà Nguyệt đã tự tay lo liệu việc an táng cho các cụ như những người thân trong gia đình từ ma chay, cho đến thuê phường kèn, chôn cất.

Số tiền nhiều tỷ đồng mà bà Nguyệt bỏ ra để xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và còn có cả sự hoài nghi. Nhưng với bà Nguyệt thì một điều quan trọng đó là bà đã hoàn thành được tâm niệm mà mình hằng ấp ủ. Niềm hạnh phúc của bà Nguyệt bây giờ là được nhìn thấy ánh mắt, nụ cười và những niềm hạnh phúc giản dị mà bà đã mang đến cho những mảnh đời bất hạnh.