- Nhớ những món quà ngoại ô đã mất
- Từ ngoại ô đến ngoại thành và "Đại lý đặc biệt Hà Nội" thời Pháp thuộc
Ngõ trổ trên phố Gia Quất hiện hình như một mê cung mà người đến lần đầu hoặc mới ở rất dễ đi lạc |
Đó là nhà cửa, xóm ngõ khá rộng rãi chứ không chật chặt hun hút, còi vọi, tối tăm như các con ngõ trong nội thành. Một ngõ lớn có ba bốn đường đi vào nhưng thỉnh thoảng chạm những khoảnh cụt bất ngờ. Khoảnh cụt ấy chơi vơi thành những ô giếng trời hình chữ nhật đầy nắng.
Những cái ngõ trổ trên phố Gia Quất hiện hình như một mê cung mà người đến lần đầu hoặc mới ở rất dễ đi lạc vì chúng giống nhau chằn chặn, nhà cửa sam sáp, quặt trái, quặt phải liên tục, đi mãi rồi mới ra được đường lớn.
Cái ngõ ở Gia Quất này thậm thò rắc rối y như cái ngõ đi vào xóm Cò bên nhà Nguyễn Huy Thiệp ở quận Thanh Xuân. Nhưng xóm Cò cổ xưa bên khu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã thành phố xá đặc quánh từ lâu rồi. Có lẽ gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là hộ duy nhất ở xóm Cò ấy còn giữ được một miếng sân và một khoảnh vườn nhỏ, tôi lần đầu vào đấy mà cứ thấy lạ lẫm như không phải. Còn ở bên Gia Quất chỗ tôi trọ, cái không khí ngoại ô, thoang thoáng nông thôn vẫn còn đậm vị. Hầu như nhà nào cũng có sân xi măng, một khoảnh vườn nhỏ thôi nhưng cũng đủ trồng cây xoài, khế, bưởi, nhãn… Một cữ sân nhỏ để được dăm ba cái xe máy, xe đạp bên ngoài, chưa đến mức phải lèn chặt vào nhà như bên nội thành. Và nhiều nhà nuôi chó, là loại chó ta nhỏ con, vì có chỗ nhốt, chỗ đi vệ sinh; những con mực, con vàng còn có chỗ chạy quanh chưa đến mức khi nào cũng phải đeo xích vào cổ như kẻ bị cầm tù rồi lè lưỡi nhìn người qua đường.
Và lạ nhất là giữa các xóm quanh co như mê cung ấy thỉnh thoảng trông thấy những khoảnh vườn quây bằng gạch đã mốc rêu. Người ta trồng rau muống, rau cải, rau thơm, rau mùi, xu hào, bắp cải trong đó, mùa nào thức ấy. Chủ nhà lại đào một bể nước tròn veo giữa vườn để tưới rau, có cả chẫu chàng, ếnh nhái bàn bạc tụ họp rôm rả. Hôm nào mưa xuống, bất ngờ nghe thấy tiếng ếch kêu ộp ộp giữa làng phố khiến kẻ ngụ cư nghệ sĩ phải thảng thốt. Những nhà loanh quanh thỉnh thoảng đến mua rau của vườn nhà xóm, lạ thế, giữa phố có vườn rau. Người mua ngó vào những luống xanh rồi chỉ luôn cho người hái, bảo cắt cho em ít cải ở chỗ kia, ít húng ở chỗ này, tía tô, hành lá, rau mùi... Một người hái rau ở trong, mấy ngoài đứng ngoài bờ tường chỉ trỏ nói chuyện, nghe rộn ràng như những ngày vui khó thuở trước. Chỗ rau trong vườn bán không được bao nhiêu, thua xa nếu bán đất xây nhà nhưng dường như người chủ không màng chuyện đó hay có tính toán riêng nên khoảnh đất trống có thể xây được dăm ngôi nhà ống vẫn để trồng rau thôi.
Lại có những khoảng đất nữa, chưa rộng bằng cái vườn trồng rau nhưng vẫn cứ hoang đoàng như ngoài bãi đê. Các loại cây dại mọc lên và người trong xóm tiện tay ném hạt mít, hạt na, hạt táo, hạt ổi vào đấy. Đám đất đó tranh choè mọc lên đủ thứ cây, trông rậm rạp um tùm như đám rừng non đến mức đám trẻ con nghịch cũng không dám vào. Đồ rằng có cả rắn hay mèo hoang vờn nhau ở trong kêu như tiếng trẻ con khóc rít nghe rất rợn. Buổi tối bọn trẻ nhỏ đi qua phải chạy cho mau, đàn bà thì níu tay chồng. Ở nông thôn thì chẳng có gì lạ, nhưng ở Hà Nội, ở ngoại ô thì thấy lạ. Và cái chất ngoại ô ở đây vẫn còn nhiều lắm, người dân chân chất, sởi lởi, không xa cách như người nội thành nhưng không hẳn là người nông thôn, là một điểm giao tạo ra những con người rất đặc biệt. Và người ta thường lấy nhà văn Tô Hoài ra làm ví dụ cho kiểu người này. Như giai thoại lưu truyền thì Tô Hoài là mẫu người rất tinh và quái vì ông sống ở vùng ngoại ô Nghĩa Đô sát sịt Kẻ Chợ, ngấm nghía được cả chất nội thành đông đúc lanh lợi, vừa có lưu chất của dân ngoại ô khỏe mạnh, láu lẹm. Về sự sành đời của cha đẻ “Dế mèn phiêu lưu ký” thì các nhà văn chưa ai đọ nổi...
Ngõ ngách Gia Quất nửa quê, nửa phố nhưng hàng gì cũng có. Một gia đình hai vợ chồng làm đậu phụ luôn đông khách. Đậu phụ ở đây nóng hổi vì vừa làm ra đã có người mua ngay. Một hàng lòng lợn luộc chỉ mở cửa từ năm giờ chiều trở đi. Lòng sốt bốc hơi ngùn ngụt, mua về là ăn ngay, vị thơm bùi và ngọt vì có nhân đỗ rang, rau thơm. Hàng lòng đắt khách, có khi phải đứng xếp hàng một chốc mới đến lượt, rồi xung quanh có cả quán bia hơi, hàng tạp hóa, hiệu thuốc, quán sửa chữa xe máy, hàng điện nước, đủ thứ râm ran, nhộn nhàng như một góc chợ nhỏ.
Tôi nhìn thấy một người đàn ông, tóc dài đến gần bắp chân, tóc bết sịt từng sợi còng queo nhưng được buộc chặt như đuôi ngựa đi xuyên qua ngõ. Người đàn ông ấy bị tâm thần, quần áo rách rưới, luộm thuộm. Nhưng lạ cái, ông ta đi ra đường bao giờ cũng bình thản, mà người điên nào chả bình thản vì họ đâu quan tâm đến đời. Người đàn ông ấy đi giữa ngõ, im lặng và khoan thai, có gì phải vội vã đâu nhỉ. Buổi sáng đi làm, tôi thấy người đàn ông ấy lững đững, buổi chiều vẫn ấy người ấy chẳng vội vã, mái tóc như đuôi ngựa đã gần bạc trắng. Người ấy điên đã bao nhiêu năm rồi, vì sao mà điên? Như thế là vui hay buồn, có người bảo đó là trời hành nhưng chắc gì đã đúng... Tỉnh quá thì lắm lúc cũng đau khổ vật vã lắm chứ.
Trong ngõ phố ấy có một cái miếu quanh năm sáng đèn và hầu như ngày nào cũng thấy người đến đặt lễ. Cái miếu nhỏ, không quá nổi tiếng, không đông người nhưng với một ngõ phố thế cũng đủ rồi, những ngày rằm mùng một những âm thanh chí cheng, giọng khấn vái lúc lờ lờ, lúc rúc cao từ trong miếu vọng ra có khi làm giật mình người bộ hành lơ đãng.
Là xóm ngoại ô, khu Gia Quất ấy có chỗ đường nhựa còn chưa phủ hết. Những chỗ đất trống ven đường là đà một đám đu đủ, sắn ta mọc lên xanh um. Sự xanh tốt đó chưa đủ là nông thôn nhưng cũng không ra dáng thành thị, nó là ngoại ô và chỉ ngoại ô mới thế. Ngoại ô Hà Nội thì không giống ngoại ô chỗ khác, Long Biên cũng khác với các quận nội thành Hà Nội vì đất đai còn khá rộng rãi, dân ở vùng đất cổ lâu đời nằm sát với kinh kì có lẽ mới đúng là dân Hà Nội nhất.
Buổi tối đi trong xóm ngõ ấy đôi khi thấy trống tênh. Ngõ ít người qua lại, trong những ngày bệnh viêm phổi cấp tính thì càng hiếm người, lắm lúc không thấy một ai cảm giác đến rợn gáy. Rồi vụt đến khuya, bên cạnh nhà tôi nghe thấy tiếng kéo cửa sắt rin rít của một anh làm ca đêm nhà máy làm thảng thốt những người hay giật mình, thỉnh thoảng tiếng chó sủa dồn nữa, cũng là sự lạ trong thành phố.
Trên cái gác xép phố Gia Quất ấy, tôi đã nằm bò trên cái bàn con con để viết hai cuốn “Ong béo và Ong gầy”, “Vua ngan xóm Hồ” dành tặng cho con gái Bình Nguyên của tôi vào lớp một và bọn nhỏ. Cái nhà bé tin hin ấy khiến tôi lười biếng chả muốn dắt xe máy vào vì mất công và vướng con mắt. Chiếc xe máy cà tàng màu vàng tôi cứ để bên ngoài và khóa bằng ba chiếc khóa phòng bị. Cũng có bữa, một anh trộm vặt đi ngang bẻ được một khóa nhưng phát hiện còn hai chiếc nữa, chắc nản quá mà tha cho cái xe ghẻ của ông nhà văn nghèo. Vậy nên tôi vẫn có xe máy đi làm và tiếp tục phớt lờ lời cảnh báo của xóm giềng về nạn trộm cắp.
Mà trộm cắp thời nào mà chả có, tinh vi bài bản thì nom đạo mạo, oai oách, có kế hoạch hẳn hoi; ở tầm thấp thì mắt liếc xeo xéo tiện tay cắt khóa, thó đồ. Ngõ ngoại ô là cái xã hội thu nhỏ thì có đủ thứ hay dở thuộc về cuộc đời. Những cái ngõ ngoại ô ấy thời nào cũng phênh phếch một vẻ dĩ vãng, xa vắng, rộn ràng những vui buồn...