Nghiêm cấm đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với 469/475 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94.94%), trong phiên họp sáng 20-6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng thủ dân sự.

Về cấp độ phòng thủ dân sự, Luật Phòng thủ dân sự chia làm 3 cấp:

Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm hoạ vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã;

Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm hoạ vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện;

Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Đa số Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Phòng thủ dân sự
Đa số Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Phòng thủ dân sự

Đặc biệt, Luật Phòng thủ dân sự đã nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự. Đó là, hành vi chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép;

Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự; Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm hoạ; Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự;

Xây dựng công trình làm giảm hoặc mất công năng của công trình phòng thủ dân sự; xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ dân sự hiện có;

Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích; khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự không đúng mục đích

Về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, Chủ tịch UBND cấp huyện ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1 trên địa bàn quản lý;

Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2 trên địa bàn quản lý; Thủ tướng Chính phủ ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3.

Về thẩm quyền huy động, điều động lực lượng trang thiết bị, tài sản, Luật quy định, Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương…quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản theo quy định của pháp luật để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Chủ tịch UBND các cấp quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản của các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Trang thiết bị, tài sản được huy động để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ; trường hợp bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cấp thiết, Chủ tịch UBND các cấp nơi xảy ra sự cố, thảm họa đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn quản lý hỗ trợ, giúp đỡ để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.