Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Luật Phòng thủ dân sự không chồng chéo với các luật hiện hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh, đảm bảo không chồng chéo với các luật hiện hành.
ĐBQH Phạm Văn Hòa góp ý vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

ĐBQH Phạm Văn Hòa góp ý vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Đi sâu vào một số nội dung cụ thể tại dự luật này, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) góp ý, về cấp độ phòng thủ dân sự tại Điều 21, dự thảo luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính, quy định này cần được cân nhắc kỹ.

Theo đó, ông Tú đề nghị ban soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm quy định tại dự án Luật Phòng thủ dân sự, trong đó cần bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm là thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên thảo luận

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên thảo luận

Một trong những nội dung khác của dự thảo luật là Quỹ Phòng thủ dân sự được nhiều ĐBQH quan tâm góp ý là quy định về Quỹ phòng thủ dân sự. Theo Chính phủ, quỹ này góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn do hậu quả của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Quỹ Phòng thủ dân sự được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh. Nguồn tài chính của quỹ phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến thảm họa, sự cố, bảo đảm quỹ phòng thủ dân sự hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy vậy, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) băn khoăn rằng, việc điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan cho Quỹ Phòng thủ dân sự là chưa phù hợp.

Tương tự, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng đề nghị khi Quỹ Phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ liên quan thì cần phải xác định rõ, cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ, không thể chi hỗ trợ từ Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các thảm họa, sự cố ngoài thiên tai…

Phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh đảm bảo không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành.

Bên cạnh đó, để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với luật chuyên ngành thì dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự, cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.