Theo nghi lễ, tôn ti trật tự, có trên có dưới, có lạ có quen, có thân có sơ, là máu mủ ruột rà, là cộng sự đồng nghiệp… Theo tuổi tác, vị thế con người sao cho được là người có lễ độ, lịch thiệp, hòa ái… thực sự là người có văn hóa, nếp sống văn minh… nay ta gọi là: NẾP SỐNG ĐẸP.
Môi trường sống, nơi tiếp xúc của con người ta rất rộng. Hiếm có ai chỉ ru rú mãi một nơi, một chỗ.
Sống ở trong nhà, có cung cách, giao tiếp, ứng xử tại gia đình, họ tộc. Là ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột, cô, chú, bác, dì thì như thế nào, là họ hàng, có họ nội, họ ngoại… gần, xa như thế nào… từ thân phận của mỗi người, đều cần biết mình ở vị trí nào, là ai khi tiếp xúc, đối diện hoặc cùng chung một mái nhà… thì phải nói năng, ăn ở, cư xử như thế nào cho phải đạo làm con, làm cháu… là người trong thân tộc, học tộc. Gọi đấy là “đối nội”.
Còn “đối ngoại” ngoài xã hội thì rộng lắm. Bước ra khỏi nhà, đi ra đường, là đã phải tuân theo “phép đi đường” (Luật Giao thông), mắt phải nhìn, tai phải nghe, cần biết tránh đường, nhường đường cho những ai, lúc nói năng khi giáp mặt người lạ thì chào, hỏi, thưa gửi, đáp lời như thế nào mới là lễ độ, lịch thiệp, hòa nhã… người đi ra đường không thể không biết. Lỡ có sơ ý va chạm phải người khác thì phải xin lỗi. Thấy người bị nạn thì tận lòng giúp đỡ… Từ trẻ em cho tới người già khi ra đường ai nấy cần biết rõ, cần được cha mẹ, ông bà dạy dỗ, chỉ bảo ngay từ tuổi ấu thơ mọi điều, mọi nhẽ… như tạm kể vắn tắt ở trên…
Tại nơi công sở, chỗ làm việc, mua bán, giải trí, bến tàu, bến xe, chốn tham quan, du lịch, khách sạn, quán ăn, bãi tắm, bể bơi… tại từng nơi ấy đều có cung cách ứng xử, giao tiếp, nói năng cũng khác nhau với từng nơi giữa cấp trên với cấp dưới, đồng nghiệp, giữa chủ và khách, giữa người bán và người mua, giữa người hướng dẫn, phục vụ với người là khách của nhà hàng, nơi đến để ăn, ở, tham quan, giải trí. Chỉ cần quan sát cử chỉ, lời nói khi giao tiếp là người mới đến có thể nhận ra nơi ấy là nơi nào, người mới gặp gỡ là ai mà có thể biết ngay người đối diện với mình là ai và có thể nhận xét được người ấy là người như thế nào - ít nhất là cung cách ứng xử.
Một trong những tiêu chí ứng xử hàng đầu không thể thiếu của con người ta đối với nhau là: Cần phải biết TÔN TRỌNG người khác, dù đấy là con, cháu, học sinh… của mình. Dù đấy là người lạ, người ở vị trí thấp hơn, đời sống có khó khăn hơn. Biết tôn trọng người khác chính là biết TỰ TRỌNG mình.
Từ những va chạm nhỏ mà dẫn đến xung đột to, gây án mạng như: ánh mắt nhìn diễu cợt, khinh bỉ, lời nói thô thiển, cử chỉ thô bạo, (có khi chỉ là vô tình…) lỡ va chạm xe cộ, lúc đi đường… đều có nguyên nhân ban đầu từ cung cách ứng xử là: thiếu TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC.
Việc các nơi công sở sẽ có “bộ quy tắc” làm việc (có thể còn ở một số nơi công cộng khác nữa) nhằm phục vụ cho công cuộc cải cách hành chính ở nước ta, thực chất là những tiêu chí nghiêm túc mà các thành viên nơi sở tại không được và không thể làm khác… là cung cách giao tiếp, ứng xử khi làm việc, đón khách, tiếp dân… là một biện pháp tích cực nâng cao giá trị, năng lực và hiệu suất công việc tới từng thành viên của đơn vị công sở trên đường đổi mới.
Tuy nhiên, việc làm bộ quy tắc ứng xử, giao tiếp ứng xử nơi công sở, rất cần tới sự “phối hợp” đồng bộ với cung cách giao tiếp - ứng xử của toàn xã hội mà gia đình và nhà trường - Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên, Hội học sinh - sinh viên là lực lượng “tiên phong” phổ biến, hướng dẫn những tiêu chí, chuẩn mực, quy ước giao tiếp - ứng xử cho những công dân của đất nước ngay từ lúc tuổi còn thơ, còn trẻ tuổi như câu tục ngữ Việt Nam ta: “Biết ăn, biết nói, biết gói, biết mở” trong khi sống và làm việc.