"Nghẹt thở" vì phí, lệ phí

ANTĐ - Trong việc đánh giá “sức khỏe” của các doanh nghiệp, nhất là môi trường kinh doanh, chúng ta không chỉ dừng lại ở mức tự mình so với mình và cho rằng có nhiều chuyển biến, thành tích. Chúng ta cần phải thường xuyên nhìn sang các nước xung quanh để xem nước ta đạt được đến đâu, đang đứng ở đâu trên nấc thang cạnh tranh, hội nhập. Có như vậy mới thấy được doanh nghiệp Việt Nam đang thua kém các nước ở chỗ nào, từ đó tìm ra những giải pháp đột phá, tháo gỡ, tránh nguy cơ ngày càng tụt hậu. Nên bớt đi những mỹ từ, cam kết, hứa hẹn để đi vào các giải pháp căn cơ hơn, quyết liệt hơn. Đây là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, điều hành kinh tế đúc kết tại diễn đàn “Kinh tế Việt Nam 2016-2020: Một số đột phá phát triển”.

Thể chất, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã được “cân đo” sau 30 năm đổi mới, góp phần đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 7%, đưa đất nước vượt lên xếp hàng đầu thế giới về sản xuất gạo, cà phê, cao su. Tuy vậy, năng lực của nền kinh tế, năng lực của doanh nghiệp vẫn bị ngăn trở, kìm hãm không chỉ bởi nội lực, khả năng quản lý, nguồn vốn đầu tư, mà một phần không nhỏ do di sản quản lý từ thời quan liêu bao cấp.

Đó là cơ chế xin cho, đặc biệt là gánh nặng thủ tục hành chính rườm rà, phiền hà cộng thêm sức nặng của hàng trăm loại phí, lệ phí bất hợp lý, vô lý đè nặng trên vai doanh nghiệp. Trong khi đó, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam có tới gần 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhỏ từ năng lực tài chính, càng nhỏ hơn khi tiếp cận vốn, đất đai. Đã nhỏ, doanh nghiệp còn bị “đè nén” dưới sức nặng phí, lệ phí dù đã giảm bớt phần nào trong thời gian gần đây. 

Song, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp đã từng kêu rằng, “doanh nghiệp không thể lớn lên được”. Câu chuyện một con gà “cõng” tới 20 loại phí, lệ phí là dẫn chứng hùng hồn về tình trạng phí chồng phí mà các doanh nghiệp nội địa đang phải gồng mình, nai lưng ra gánh. Mặc dù gánh nặng thủ tục hành chính trong việc nộp thuế, thông quan đã giảm bớt từ năm 2014 đến nay, nhưng chưa thể khẳng định những rào cản đối với các doanh nghiệp đã được dỡ bỏ hoàn toàn, môi trường sản xuất kinh doanh đã được thông thoáng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng như giới chuyên gia đều khẳng định rằng, chúng ta không có con đường lùi, phải tiếp tục cải cách thể chế, nhanh chóng dỡ bỏ gánh nặng bất hợp lý trên vai doanh nghiệp. Tụt hậu là một thực tế gay gắt đặt ra cho nền kinh tế, nhất là giới doanh nghiệp trước ngưỡng gia nhập 8 hiệp định thương mại tự do.

Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước, tăng năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà trước làn sóng hàng ngoại đang ồ ạt đổ vào nước ta, đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đương nhiên mỗi doanh nghiệp phải tự thân vươn lên, tự đổi mới công nghệ mới đủ sức đối mặt trước sóng gió hội nhập. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải “cõng” trên mình những “tảng đá” phí, lệ phí vô lý đến mức “nghẹt thở” thì vùng vẫy sao nổi, nói gì tới chuyện cạnh tranh với các đối thủ xuyên quốc gia mạnh về tài chính, sành sỏi trên thương trường.