Nghèo “ảo” và nghèo thật!

ANTĐ - Nóng bức, ngột ngạt thế này chỉ có dắt nhau về quê là thoáng mát trong lành. Nhiều nhà mùa hè cho trẻ con về quê để hưởng chút hương đồng, gió nội. Trẻ hiểu được nỗi cơ cực làm ra hạt gạo, lại không quên cái gốc rễ nông dân.

- Gần 70% dân số của nước ta là nông dân, tức là cứ 100 người thì có 70 người là nông dân chính cống. Suy cho cùng thì trong huyết quản mỗi người, già nửa là máu nông dân.

- Thế nên trên diễn đàn Quốc hội, chưa bao giờ chuyện tam nông lại trở nên “nóng” thế. Nhiều đại biểu ngậm ngùi chua chát nói, nông thôn bây giờ chỉ còn lại người già và trẻ con.

- Một đôi lần tôi có về quê ông thông gia, phải công nhận là đầu xóm cuối thôn vắng teo, chỉ toàn gặp người già, đàn bà, trẻ con. Nhà cửa, đường sá, điện đóm, trường học đủ cả, chỉ thiếu vắng bóng người…

- Vắng đàn ông quạnh nhà, ông không thấy ở Hà Nội, ở các thành phố lúc nào cũng chen chúc đội quân toàn đàn ông, thanh niên nông dân. Tỷ lệ hộ nghèo ở thành thị chỉ có 5%, ở nông thôn lên tới trên 15% cho nên họ phải đổ xô lên đây để giảm… chênh lệch giàu nghèo.

- Vậy các đại biểu có nói về tình cảnh ly nông, ly hương, nông thôn trống vắng? Đàn ông là trụ cột gia đình mà thiếu họ thì ai lo việc sản xuất, nuôi dạy con cái?

- Một số đại biểu phát biểu thẳng thắn rằng, vì chuẩn nghèo chưa chuẩn nên nông dân còn nghèo vẫn buộc phải “thoát nghèo”. Họ không cần thành tích “ảo” trong giảm nghèo mà mong muốn được thật sự thoát nghèo.