Nghề “phù thủy” đọc tâm tính và suy nghĩ của các loài cá

ANTĐ - Mỗi loài cá đều có một tâm tính và tiếng kêu khác nhau. Người đi đánh cá, nếu nắm bắt được tâm tính lẫn thói quen của các loài cá sẽ tránh được rất nhiều hiểm nguy, còn có thể phân biệt được có cá dưới nước, và số lượng bao nhiêu…nhiều ngư phủ ở làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) có khả năng kỳ lạ là đọc được ý nghĩ và tâm tính các loài cá. Nhiều câu chuyện của họ cũng ly kỳ như những chuyến ra khơi. 

Nghề “phù thủy” đọc tâm tính và suy nghĩ của các loài cá ảnh 1Những ngư phủ đọc được ý nghĩ của cá đang giãi bày với phóng viên

Dày công khổ luyện

Sau bữa cơm chiều chiếc xuồng máy bắt đầu rẽ sóng ra bãi biển Đất Đỏ, chủ xuồng, anh Trần Hải Nam vừa điều khiển xuồng vừa kể với chúng tôi rằng: “nghề nghiên cứu tâm lý và nghe tiếng cá cứ ngỡ như lạ lẫm. Và với nơi khác thì lạ lẫm thật còn ở đây bây giờ không lạ nữa. Bởi ở làng chài này giờ đây không chỉ có một hay hai người có khả năng đó mà tới hơn hai chục ngư phủ biết cách nắm bắt tâm lý các loài cá kia”.

Theo giãi bày của anh Nam, khả năng này không bỗng nhiên mà có được phải dày công tập luyện. Có khi phải mất hàng năm trời mới có khả năng thông thạo trong việc nắm bắt tiếng kêu lẫn sở thích của các loài cá. Sau khi cho xuồng chạy ra đoạn cách bờ chừng 3 hải lý, cài áo phao cho chúng tôi xong, anh Nam dặn dò kỹ lưỡng hãy bám chặt vào xuồng, không cần phải lo nghĩ bất cứ điều gì, vì khoảng cách này cách bờ cũng không xa lắm. Nói chưa dứt lời, Nam lao ùm xuống biển.

Sau chừng 20 phút lặn xuống ngoi lên, Nam chèo lên xuồng và thả hai tay lưới loại lớn dùng cho đánh bắt gần bờ xuống đoạn anh vừa lặn và thám thính. Sau khi thả lưới, anh Nam chèo lên xuồng hồ hởi khoe: “Có một đàn cá chim chừng một trăm con chuẩn bị tới địa điểm tôi đã quăng lưới. Tôi nghe chính xác được hướng chúng đang đi là tiến về phía này”. Hóa ra việc lặn của anh Nam là để nghe tiếng động của các loài cá. Theo anh để nắm được tâm tính và ý nghĩ của cá trước tiên phải biết nghe tiếng động. Mỗi loài cá đều phát ra một tiếng kêu khác nhau. Tiếng kêu và tâm tính đơn giản nhất là loại cá hố và cá chim. Hai loại cá này chỉ kêu chèm chẹp, rất nhỏ. Khi tiếng kêu của chúng dồn dập và nhiều hơn bình thường nghĩa là có một đàn lớn hàng trăm con đang đi ăn. Nếu chúng im lặng hoặc kêu cách quãng thì rõ ràng đàn cá đi rất ít. 

Đi với anh Nam hôm ấy còn có anh Nguyễn Văn Toàn. Tuy mới học cách nghe tiếng các loài các và nắm bắt tâm lý của chúng chưa lâu nhưng nhờ sự miệt mài nên giờ đây sau vài chục phút ngụp lặn anh cũng có thể đoán được có bao nhiêu cá trong khu vực mình đang tiến ra đánh bắt. Anh Toàn bảo: “Chỉ luyện đôi tai không đã mất ít nhất 6 tháng rồi. Phải lặn xuống ngoi lên hàng trăm lần. Mỗi lần lặn là phải sâu dưới 2 m, tập trung cao độ để nghe ngóng các tiếng động. Sau đó thì quăng lưới xuống, nếu tiếng động nghe được chẹp chẹp mà khi quẳng lưới xuống được loài cá nhám thì lần sau cứ nghe tiếng đó là đoán ra cá nhám ngay thôi. Phải lặn khi biển không sóng lớn và vỗ ầm ào thì mới nghe chính xác tiếng các loài cá được. Sau một hồi trò chuyện về những gian khổ trong tập luyện với chúng tôi,  2 anh kéo mấy tay lưới lớn lên, đúng như dự đoán, hai tay lưới dính đầy cá chim.

Cũng theo anh Toàn loài cá chim này khi kêu cách quãng thì có thể chúng đang đi ăn cùng một đoàn cá khác. Khi đi chung với loại cá khác, loài cá chim rất ít phát ra tiếng động. Âm thanh khó lắng nghe và phải tập luyện dày công nhất là tiếng kêu của cá nục và cá nhám vì chúng hay có sự thất thường. Nếu là ngày động trời chúng kêu dữ dội, tiếng kêu dày hơn những ngày bình lặng. Có khi chúng không phát ra tiếng động nhưng số lượng cá đi vẫn rất đông.  Những người mới vào nghề, mới đầu, lặn xuống nước, căng tai nghe cũng chả thấy gì, chỉ nghe thấy tiếng máy nổ của xuồng phía trên và tiếng nước ùng ục, có khi là tiếng sóng vỗ ầm ào. Vài tháng đầu tiên thì hầu như đoán gì cũng sai nên tốt nhất không nên giăng lưới xuống làm gì cho mất công. Đến khi có kinh nghiệm, nghe đúng nhiều rồi thì mới bắt đầu suy đoán ra được tâm tính các loài cá được. 

“Phù thủy” đọc được ý nghĩ của cá

Ông Vũ Huy Đức được xem là một trong những “phù thủy” trong việc nắm bắt tâm lý các loài các ở làng chài này. Nói về cái cơ duyên kỳ lạ của mình, ông Đức chia sẻ rằng: “Tôi là một trong những người tiên phong trong cái nghề nghe cá và nắm bắt tâm lý cá ở cái vùng biển này đấy. Cái duyên với nghề này cũng thật tình cờ. Nhiều năm trước trong những lần đi đánh bắt xa bờ đều phải ra về tay trắng vì không đón được hướng các loại cá đi, quăng lưới không thể chính xác được. Có chuyến ra khơi vài ngày nhưng không đánh bắt được con cá nào cả.

Bỗng một ngày đang lặn biển lấy rong tôi nghe ngóng được tiếng kêu tòng tọc. Tiếng kêu này mỗi lúc một lớn hơn, rồi một đoàn cá sóc nanh xuất hiện. Chúng có tới hàng trăm con. Mừng quá, tôi lên xuồng lấy lưới xuống đánh bắt nhưng khi thả lưới xuống thì đàn cá không còn ở đó nữa. Chúng đã di chuyển đi nới khác. Tôi lại lặng im lặn xuống nghe ngóng, thấy tiếng của chúng không kêu tòng tọc nữa, vậy là chúng đang kiếm mồi ở địa điểm cách chỗ chúng tôi quẳng lưới cả trăm mét”.

Quá lạ lẫm và ngỡ ngàng trước điều này, những ngày sau đó, ông Đức miệt mài chèo xuồng ra các vùng biển để lặn xuống nghe tiếng các loại cá kêu. Ông giãi bày rằng: “Khi đã nghiên cứu kỹ rồi thì đoán biết tâm lí cá dễ lắm, chỉ cần nắm được tiếng kêu của chúng trong nhiều thời điểm khác nhau của một ngày. Loại cá sóc này chúng có thói quen không kiếm ăn ngay nơi chúng tập trung phát ra tiếng kêu mà di chuyển đến địa điểm cách chỗ phát ra tiếng kêu hàng chục mét theo hướng chúng đang bơi tới. Loài cá này có điểm đặc biệt là không bao giờ quay ngược lại hướng mình đang bơi. Vì vậy, chỉ cần quăng lưới phía trước chỗ phát ra tiếng kêu 10 mét là thoải mái mà thu hoạch, chuyến ra khơi thắng lợi ngay. 

Cũng giống như ông Đức, ông Năm Hùng cũng là một trong những người rành rẽ trong việc nắm bắt tâm tính cá loài cá ở vùng biển này. Tuy nhiên nhờ có khả năng và kinh nghiệm dày dặn hơn nên ông Hùng còn bạo dạn ra khơi xa để tập luyện khả năng nghe tiếng các loài cá ngừ. Và dường như ở vùng biển này hiện nay chỉ mình ông mới sở hữu được các bí quyết độc đáo để nắm tâm lí cá ngừ.

 Ông bảo: “thật ra nghiên cứu tâm tính loại cá này cũng không phải quá khó. Nhưng vì chúng đều ở dưới độ sâu hàng chục mét nên những ngư phủ cần phải có khả năng bơi lặn thật điêu luyện mới có thể tiếp cận được. Nếu không chịu được áp lực thời gian dài khi lặn sâu dưới nước thì không nên tập khả năng nghe loài cá này. Bởi xưa này phần lớn các ngư dân chỉ đi đánh mò, không dám lặn xuống vì sợ nhiều rủi ro. Nếu nước chảy mạnh, có tiếng vù vù thì cá khá là nhiều nhưng là loài nhỏ, còn nước chảy mạnh, đều là cá lớn. Khi cá vào chừng 100 m là có thể nghe rõ tiếng kêu của nó. Là người biết bơi lặn giỏi từ năm 10 tuổi nhưng tôi cũng rất dè dặt mỗi năm chỉ ra khơi xa chừng 5  đến 7 chuyến để lắng nghe và suy đoán ý nghĩ loài cá này thôi. Loài các ngừ đại dương thường có tiếng kêu rất lạ, khè khè như tiếng côn trùng, chỉ khi tập hợp thành đàn chúng mới kêu. Một loài cá khác, tuy không cần ra xa bờ vẫn có thể đánh bắt được đó là cá Chuồn và cá Chình. Hai loài cá này rất tinh ranh, có thể chúng chỉ kêu khi có sự xuất hiện của con người hoặc gặp hiểm nguy. Nhưng thói quen này lại có sự thay đổi liên tục nên nhiều ngư phủ dày dặn như ông Năm Hùng vẫn chưa thể nắm bắt kỹ càng được.

Giàu nhanh nhưng rủi ro cũng lắm 

Theo các ngư phủ có biệt tài nghe ngóng và nắm bắt ý nghĩ của cá ở làng chài Phước Hải thì làm cái nghề nghe cá và đoán bắt tâm lý cá này cũng nhanh giàu nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Trong những chuyến ra khơi, những ngư phủ có khả năng nghe cá giỏi như ông Năm Hùng luôn được săn đón. Ông Hùng bảo làm nghề này cũng có thu nhập cao, sau mỗi lần đi biển, các thuyền viên khác được trung bình 30 triệu đồng thì những người thợ đoán tâm lý và nghe tiếng cá được gấp đôi vì nhờ có họ mới đoán được hướng đi và số lượng các loài cá để tiến hành đánh bắt. Việc của những người thợ này quyết định cho việc thành bại của cả một chuyến đi. Tuy nhiên không phải việc đoán tâm lí các loài cá của các ngư phủ đặc biệt này lúc nào cũng chính xác. Anh Trần Văn Bạn, một ngư phủ vừa trải qua 8 tháng luyện tập khả năng đoán tâm lí cá cho biết: “nếu chưa điêu luyện trong nghề mà đã nhận lời các chủ tàu thuyền đi đánh bắt xa bờ thì nguy hiểm lắm. Nếu nghe sai mà cứ cắm cúi nghe coi chừng đụng phải động vật lạ là bị tấn công trọng thương như chơi. Cũng có những thợ mới vào nghề mà đã nhận lời ra khơi xa để đoán tâm lí cá cho các chủ tàu đánh bắt mà đoán sai nên không được trả đồng thù lao nào trong suốt cả chuyến đi.