Nghệ nhân cuối cùng của dòng chèo Chải Hê

(ANTĐ) - Về Bắc Ninh nghe chèo Chải Hê - một loại hình quan họ hát trong đám hiếu thật thú vị và lạ lẫm, bởi nằm ngay trong lòng của kinh đô quan họ, chỉ còn lại duy nhất một người thuộc và hát đúng các điệu nhạc của dòng nhạc này…

Nghệ nhân cuối cùng của dòng chèo Chải Hê

(ANTĐ) - Về Bắc Ninh nghe chèo Chải Hê - một loại hình quan họ hát trong đám hiếu thật thú vị và lạ lẫm, bởi nằm ngay trong lòng của kinh đô quan họ, chỉ còn lại duy nhất một người thuộc và hát đúng các điệu nhạc của dòng nhạc này…

Cái hay của chèo Chải Hê

Con ngõ nhỏ, ngóc ngách (thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) dẫn tôi đến với ngôi nhà của ông Nguyễn Đăng Địch. Với chất giọng khàn khàn, ông làm cho tôi nghi ngờ về sự truyền cảm khi hát dòng quan họ này. ấy thế nhưng chỉ với một lời đề nghị nho nhỏ, tôi dường như đã “gẩy” vào đúng niềm yêu thích lẫn bầu nhiệt huyết hát chèo Chải Hê của ông. Cầm trên tay quyển sách cũ kỹ ghi lại các làn điệu chèo Chải Hê, ông hát mải miết, hát quên cả việc mời nước, mời trầu cho khách.

Cách ông luyến láy, nhấn nhá, ngừng nghỉ đúng lúc đã tạo nên những nhịp điệu thật lạ tai khiến một người chưa từng biết đến chèo Chải Hê như tôi cũng thấy bồn chồn nao nao. Những ca từ mà ông hát gợi người ta nhớ đến công lao dưỡng dục của cha mẹ và đạo hiếu của người làm con vốn là đạo lý uống nước nhớ nguồn từ xa xưa…

Chèo Chải Hê đã thấm sâu trong tâm hồn cậu bé Đăng Địch ngày nhỏ. Vào mỗi đêm trăng sáng, hoặc vào lúc nông nhàn, ông được giao việc mời nước, mời trầu hầu các cụ tiền bối biểu diễn. Nên những làn điệu tưởng chừng như khô khan ấy và các điệu múa phải đòi hỏi sự khéo léo của người biểu diễn đã tự nhiên đi vào trí nhớ của ông lúc nào không hay. Ông vẫn nhớ như in cái không khí tĩnh lặng của làng quê bị phá tan bởi sự huyên náo trong tiếng trống cơm, tiếng phách, tiếng hát luyến láy, ngân nga của những người diễn xướng. Và chèo Chải Hê thời đó, không chỉ được biểu diễn trong ngày rằm tháng 7, trong các đám giỗ, đám tang mà đã trở thành một trò diễn xướng dân gian phổ biến, thu hút được sự tham gia đông đảo của nhân dân.

Vừa hát vừa múa, ông đang tái hiện lại cho tôi hình dung và cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của chèo Chải Hê chỉ bằng một cái gậy được lấy từ góc nhà. Ông bảo khi biểu diễn, người múa đều là nam giới đóng khố, cởi trần, tay cầm gậy được sơn son thếp vàng và có chiều dài 1,2m, khi diễn lời xướng phải quyện với điệu múa. Múa chèo Chải Hê rất tốn sức. Vì một vở chèo có kết cấu gồm 2 phần rõ rệt và được kéo dài trong nhiều ngày.

Chèo Chải Hê không chỉ đẹp về ca từ, điệu múa mà nguồn gốc của nó cũng thật đẹp. Chuyện kể rằng vào thời Cảnh Hưng (1730-1786), viên quan cai trị trong vùng ra lệnh cho mỗi làng phải làm một ngôi đình để thờ thần bản thổ. Dân làng Lũng Giang lên rừng đẵn gỗ về làm đình, trên đường về qua làng Tam Sơn, không may qua sông mắc cạn, được dân làng nơi đây kéo giúp. Từ đó, sinh tục kết chạ Lũng Giang-Tam Sơn. Sau khi khánh thành ngôi đình, hàng năm nhân dân hai làng qua lại thăm nhau khi hiếu hỉ. Hát chèo Chải Hê từ đó mà sinh ra. Và cũng vì tục kết chạ anh em này, mà trai gái hai làng dù yêu nhau đến mấy cũng không bao giờ được nên duyên cùng nhau.

Không đúng 100% thì cũng giống đến 70%

Trải qua một thời kỳ dài, những người biết và hát được chèo Chải Hê dần dần đã đi vào cõi thiên thu. Nay chỉ còn lại mình ông Nguyễn  Đăng Địch. Và cũng nhận biết được điều này, Viện Âm nhạc đã phối hợp cùng trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh mời ông Đăng Địch về dạy chèo Chải Hê cho 10 học sinh của trường. Nhưng theo nhận xét của ông: “Những học sinh này rất khó hát đúng được các làn điệu. Các em chỉ quen học các bài hát quan họ mượt mà, tình cảm và đã có sẵn giáo trình. Còn chèo Chải Hê chủ yếu được học theo lối truyền miệng, và có phần “khô cứng”. Hơn nữa, chèo Chải Hê là một hình thức diễn xướng dân gian, người ta chỉ có thể cảm nhận được hết cái hay cái đẹp của nó khi được hòa mình vào các làn điệu, các điệu múa mới có hy vọng biểu diễn được phần hồn”.

Điều ông buồn và lo lắng hơn là sau khi ra trường, các em không còn được thường xuyên tập luyện, rồi dần dần những làn điệu được ông truyền dạy cũng trôi vào quên lãng. Ông nói rằng: “Tôi chẳng có ước muốn gì lớn lao, chỉ muốn cố hết sức mình truyền đạt, lưu giữ cho con cháu sau này biết được cha ông mình ngày xưa đã có một loại hình âm nhạc thật độc đáo. Nhưng dường như các loại hình âm nhạc hiện đại có sức hấp dẫn lớn hơn với các cháu, mà cuộc sống ồn ào bây giờ gấp gáp quá, người ta cũng không còn đủ thời gian để tận hưởng, hay ngồi lại nghe và biểu diễn các làn điệu chèo Chải Hê”.

Trong thời gian tới, ông Địch sẽ tự bỏ tiền túi ra để làm một DVD về chèo Chải Hê do ông “một mình một ngựa” biểu diễn các điệu múa và làn điệu của thể loại quan họ độc đáo này, với mong muốn thật giản dị: “Để làm tư liệu, sau này nếu tôi không còn nữa, con cháu cũng còn có tư liệu để học theo, không đúng 100% thì cũng giống đến 70%”.

Phạm Thu Hương