Nghề giúp việc gia đình: Vẫn khó quản lí

ANTĐ - Bộ luật Lao động mới (có hiệu lực từ ngày 1-5) đã quy định, việc thuê người giúp việc nhà phải được lập thành hợp đồng. Tuy vậy, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên dù đã hơn 1 tháng trôi qua, quy định trên dường như vẫn… nằm trên giấy.

Nghề giúp việc gia đình: Vẫn khó quản lí ảnh 1
Nhu cầu về lao động giúp việc gia đình ngày càng cao (ảnh minh họa)


Thỏa thuận… miệng là chính

Trong những năm gần đây, nhu cầu về người giúp việc gia đình ngày càng tăng. Bên cạnh đó, giúp việc nhà không cần bỏ vốn, không cần trình độ cao nhưng mang lại thu nhập ổn định nên đã thu hút được nhiều người dân nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tham gia. Tuy vậy, trong suy nghĩ của nhiều người, đây vẫn chưa được coi là một nghề mà chỉ là công việc mang tính thời vụ, tạm thời. Do đó, giao kết giữa hai bên chủ yếu vẫn là thỏa thuận miệng mà nội dung chủ yếu tập trung vào tiền lương cho người giúp việc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhận thức của lao động giúp việc còn nhiều hạn chế.

Chị Vũ Thị Huế ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An – người có thâm niên 5 năm làm giúp việc gia đình ở Hà Nội cho hay, từ trước đến nay, dù đã làm việc cho hàng chục chủ khác nhau nhưng chưa bao giờ chị ký hợp đồng. Do chữ nghĩa có hạn nên mọi thỏa thuận giữa chị Huế và gia chủ đều bằng miệng. Vì thế không ít lần, chị Huế đã tự ý chấm dứt hợp đồng do có việc riêng hoặc có điều gì đó không hài lòng với chủ nhà. Ngược lại, bản thân chị Huế cũng có lần bị chủ nhà “đuổi việc”, trừ lương một tháng do sơ ý làm cháy chiếc bàn là. “Bên cạnh những người tốt, biết quý trọng người lao động thì cũng có không ít người đối xử với chúng tôi chẳng khác nào con ở. Họ yêu cầu tôi phải ăn sau, ngủ dưới sàn nhà và tự cho mình quyền quát mắng tôi bất cứ khi nào. Nhiều lúc thấy tủi nhục quá, tôi muốn bỏ nghề nhưng do kinh tế khó khăn nên vẫn phải cố gắng” - chị Huế chia sẻ.

Ở vị trí chủ nhà, không ít người bức xúc khi nói về người giúp việc. Anh Đào Trọng Sinh ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân tâm sự, nhà anh vừa có bố mẹ già, vừa có con nhỏ nên anh phải thuê người giúp việc gia đình thường xuyên. Do phụ thuộc vào người giúp việc nên lúc nào anh Sinh cũng trong tình trạng thấp thỏm. Có lần, sau khi ứng tiền công trước 3 tháng, người giúp việc nhà anh Sinh xin nghỉ cả tháng để về quê… chữa bệnh. Anh Sinh phàn nàn: “Nhà có giỗ đòi về, con ốm nhẹ xin về, quê có hội làng cũng về… và nơi nào trả lương cao hơn thì sẵn sàng “bùng”. Đã nhiều lần tôi đề nghị người giúp việc ký hợp đồng nhưng họ cứ lắc đầu quầy quậy, làm như tôi đang lừa họ và còn nói “bút sa gà chết”. Mình tuy là người trả tiền nhưng luôn ở thế bị động nên nhiều lúc rất mệt mỏi”.

Còn nhiều bất cập

Cũng theo Bộ luật Lao động mới, về thời hạn hợp đồng lao động, pháp luật cho phép hai bên tự thỏa thuận thời hạn (với 3 loại hợp đồng lao động theo thời hạn: Dưới 12 tháng, từ 12 đến 36 tháng và không xác định thời hạn). Về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: Hai bên được quyền đơn phương chấm dứt không cần có lý do nhưng phải báo trước 15 ngày. Về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động: Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương, đóng bảo hiểm y tế cho người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động, bố trí chỗ ăn ở sạch sẽ… Người lao động có nghĩa vụ bồi thường nếu làm mất, làm hư hỏng tài sản của người sử dụng lao động. Ngoài ra, Bộ luật Lao động cũng nghiêm cấm những hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

Tuy vậy, theo luật sư Phạm Công - Đoàn Luật sư Hà Nội, những quy định trên còn quá chung chung, khung pháp lý về quyền lợi của người giúp việc gia đình và chủ sử dụng lao động vẫn chưa được quy định cụ thể. Do đó, quy định phải ký hợp đồng với người giúp việc cần được chi tiết hóa ở một số nội dung: Trong hợp đồng phải ghi rõ địa điểm, thời gian làm việc, thời gian nghỉ phép, công việc chính, chế độ thai sản, nghỉ ốm cho người giúp việc. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện những quy định trong Bộ luật Lao động về nội dung liên quan đến nghề giúp việc nên việc triển khai thực hiện luật còn khá nhiều vướng mắc.

Trong quy định cũng buộc chủ sử dụng và người giúp việc phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản trong Bộ luật Lao động nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai bên, siết chặt việc quản lý đối với lao động giúp việc. Song nếu không có các văn bản hướng dẫn, các quy định này sẽ không thể đi vào cuộc sống. Bởi ngay cả người lao động lẫn chủ sử dụng lao động từ trước đến nay vẫn không mặn mà đối với việc ký hợp đồng lao động. Đây chính là nguyên nhân xảy ra các vụ tranh chấp không có hồi kết giữa hai bên, khiến thị trường cung cấp lao động giúp việc năm nào cũng “nóng”, nhất là vào những dịp cao điểm.