Mức giá sàn được NHNN đưa ra cũng cao hơn so với mức giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 43,6 triệu đồng/lượng mà NHNN công bố ngày hôm trước. Trong tổng số 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký, chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu sáng 28-3. Do mức giá sàn cao hơn giá thị trường nên trong tổng số 17 đơn vị chính thức tham gia đấu thầu, có tới 15 đơn vị đã bỏ phiếu trắng. Chỉ có 2 đơn vị là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý đăng ký mua và đều trúng thầu tại giá sàn, mỗi đơn vị 1.000 lượng.
Bình luận về mức giá sàn được NHNN đưa ra, đại diện một doanh nghiệp tham gia đấu thầu nói: “Giá sàn đưa ra đấu thầu cao hơn cả so với giá thị trường thì không hiểu mục tiêu bình ổn giá sẽ được thực hiện như thế nào”.
Sau khi thông tin về việc đấu thầu vàng miếng với mức giá sàn lên tới 43,81 triệu đồng/lượng thì thị trường đã nhanh chóng phản ứng bằng việc tăng giá. Tính tới cuối giờ chiều, mức giá tiếp tục tăng, vàng SJC tại thị trường Hà Nội của Công ty SJC được niêm yết ở mức 43,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,87 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này cao hơn so với giá tại thời điểm đóng cửa ngày hôm trước 400.000 đồng mỗi lượng. Giá vàng SJC bán lẻ vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi hơn 3 triệu đồng mỗi lượng.
Giải thích về mức giá sàn cao hơn so với giá thị trường, một lãnh đạo của NHNN cho rằng, số lượng vàng đưa vào đấu thầu là 26.000 lượng, con số này cho thấy quy mô rất lớn nên hầu hết các thành viên tham gia đều rất thận trọng, nhất là với diễn biến giá đang diễn biến phức tạp những ngày qua. Mặt khác, NHNN tham gia bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá, đặc biệt là không để bù lỗ cho doanh nghiệp.