Ngành y tế lúng túng trước nguy cơ dịch chồng dịch

ANTĐ - Mới trong những tuần đầu tiên của năm 2012, hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm đã đồng loạt xuất hiện và gia tăng mạnh. Nguy cơ dịch chồng dịch khiến người dân lo lắng, ngành y tế lúng túng.

Bệnh nhân mắc bệnh dịch nhiều khả năng tăng mạnh trong năm 2012

Diễn biến khó lường

6 tuần đầu năm, cả nước có 6.328 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), 9 trẻ tử vong, tỷ lệ tử vong/mắc là 0,14%, tương đương năm 2011 là năm có dịch TCM lớn nhất từ trước đến nay. Số mắc TCM vẫn duy trì ở mức cao liên tục (khoảng 900-1.000 ca/tuần). Cùng đó, dịch cúm H5N1 có độc lực mạnh cũng trở lại với việc ghi nhận 2 ca mắc và đều tử vong, sau 20 tháng liên tiếp không có bệnh nhân. Bệnh viêm màng não do não mô cầu cũng có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, thậm chí ở mức đại dịch bởi tỷ lệ người lành mang trùng trong cộng đồng lên đến 25%... TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, nhiều dịch “nóng” có nguy cơ bùng phát trong năm 2012.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, diễn biến các dịch bệnh nguy hiểm trong năm 2012 sẽ hết sức khó đoán. Theo dự báo, khó có khả năng xảy ra đại dịch nhưng có thể xảy ra thêm một số hoặc nhiều trường hợp mắc bệnh dịch. “Chúng ta khó dự báo được diễn biến của dịch TCM vì thế cần phải chuẩn bị mọi biện pháp để đối phó. Dịch này đang diễn biến bất thường ở phía Bắc như tại Hải Phòng có số ca mắc tiếp tục tăng. Phía Nam cũng tăng tại một vài điểm, tuy nhiên tỷ lệ tử vong lại cao hơn phía Bắc. Dịch cúm H5N1 trên người lại càng khó đoán hơn do dịch trên người phụ thuộc theo dịch cúm trên đàn gia cầm. Hơn nữa ý thức người dân chưa cao, ngay tại khu vực xảy ra dịch cúm gia cầm mà nhiều người vẫn giết mổ, sử dụng thịt gia cầm ốm, chết… Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Trước diễn biến các dịch bệnh đang “nóng” lên, việc chống dịch thế nào và có nên công bố dịch hay không lại một lần nữa được đặt ra. Ông Viên Quang Mai - Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho rằng, để tránh lặp lại việc lúng túng công bố dịch dẫn đến nhiều dư luận trái chiều như năm 2011, nên chia rõ mức độ dịch: mức độ “có dịch” để y tế chủ động phòng chống, mức “công bố dịch” khi dịch bệnh ở mức độ cao hơn, cần sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương.

Vừa chủ quan, vừa lúng túng

Mỗi khi có dịch bệnh bùng phát mạnh, số tử vong tăng cao thì vấn đề về ý thức phòng chống bệnh hạn chế, sự chủ quan của người dân lại được đưa ra. Thế nhưng ngay tại một hội nghị về phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của đại diện trong ngành đã thẳng thắn cho rằng, không nên đổ hết lỗi cho người dân mà cần chỉ rõ những tồn tại khiến công tác chống dịch chủ động yếu kém. Phó Viện trưởng Viện  Pasteur Nha Trang, Viên Quang  Mai lấy ví dụ: chỉ khi có bệnh nhân nào mắc tới BV thì chúng ta mới biết ca bệnh đó. Về chuyên môn, ngay đến nhiều y bác sĩ cũng còn lúng túng, không phân biệt nổi lâm sàng ca bệnh TCM điển  hình… thì đừng nói người dân thiếu kiến thức.

Hiện tại, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, đồng thời đề nghị các địa phương thành lập ngay ban chỉ đạo liên ngành phòng chống dịch, chủ động điều phối công tác dập dịch. Tuy nhiên, không phải cứ dồn dập đưa ra các chỉ đạo là công tác chống dịch sẽ đạt hiệu quả. TS Nguyễn Văn Bình phân tích, còn không ít địa phương, chính quyền chưa chỉ đạo quyết liệt và chưa quan tâm dành ngân sách cho công tác chống dịch. Chẳng hạn như năm 2011, nhiều địa phương là điểm “nóng” của dịch song chỉ dành ngân sách... 150 triệu đồng cho chống dịch. Theo ông Bình, cũng phải nhìn nhận năng lực y tế địa phương còn hạn chế, tham mưu chưa đủ sức thuyết phục, khiến chính quyền không thấy rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và chưa quan tâm đúng mực đến lĩnh vực này.

Tương tự, hệ thống giám sát, báo cáo dịch bệnh hiện cũng còn chậm trễ. Có địa phương ghi nhận trường hợp mắc bệnh dịch nhưng xã chậm báo lên huyện/ tỉnh, đến lúc tuyến trung ương biết được thông tin thì cũng đã mất khoảng 3-4 tuần, khi đó việc khống chế dịch khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, với tình hình dịch như hiện nay, các địa phương cần minh bạch để làm sao thông tin đến với cộng đồng được đầy đủ và nhanh nhất. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định Bộ Y tế sẽ đảm bảo thông tin kịp thời diễn biến dịch. Nếu các địa phương công bố dịch đúng thời điểm, đúng diễn biến thì sẽ huy động được nguồn lực, nhận được hỗ trợ chuyên môn... hiệu quả kiểm soát dịch sẽ tốt hơn.