Ngân sách vẫn bị “rách”

ANTĐ - Những sai phạm trong sử dụng ngân sách Nhà nước và tài sản công, đã được kiểm toán Nhà nước công bố mới đây, chỉ là “bức tranh” thu nhỏ phản ánh tình trạng quản lý và sử dụng làm thất thoát đáng lo ngại nguồn vốn từ ngân sách. Việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước đã từng được đặt lên bàn nghị sự từ mấy năm nay, nhưng đến nay vẫn bị lùi lại đến sang năm.

Luật Ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua từ năm 2002, làm văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể trong việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước. Từ khi thực thi Luật, tổng thu ngân sách tăng từ mức 13,8 GDP năm 1991 lên khoảng 30% GDP trong những năm gần đây. Việc chi ngân sách cũng đã thay đổi theo hướng nâng cao hiệu quả và hợp lý hóa cơ cấu các khoản chi.

Song, những hạn chế liên quan đến quy trình thủ tục phân bổ, chi tiêu ngân sách; quản lý ngân sách ở các cấp, nhất là những hạn chế trong việc đảm bảo sự bình đẳng và công bằng trong đóng góp và hưởng thụ giữa Trung ương với địa phương, giữa đầu tư phát triển kinh tế với chăm lo đời sống nhân dân, nổ lên ngày càng rõ rệt ngoài ra những lãng phí lớn và thiếu hiệu quả trong sử dụng vốn ngân sách ở hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gây bức xúc, phản ứng trong dư luận gần đây, chứng tỏ sự yếu kém trong quản lý ngân sách Nhà nước. Nguồn gốc sâu xa bắt nguồn từ những quy định thiếu tính khả thi, quản lý lỏng lẻo và chế tài không đủ mạnh của Luật Ngân sách Nhà nước và văn bản dưới luật. Kết quả kiểm toán được công bố cho thấy 18/34 địa phương được kiểm toán đã để xảy ra nhiều sai phạm, quản lý tài sản thiếu chặt chẽ. Một số địa phương còn để đất đai bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép.

Một số địa phương có nhiều dự án không đầu tư xây dựng, bỏ hoang phí hoặc sử dụng không đúng mục đích. Nghiêm trọng hơn, một số bộ, ngành quản lý và sử dụng đất đai sai quy định như Bộ Công thương bị lấn chiếm 11.566m2, Bộ Khoa học - công nghệ có 10 cơ sở bị lấn chiếm, Viện Khoa học - công nghệ có 7 cơ sở bị lấn chiếm. Báo cáo của kiểm toán Nhà nước còn cho thấy, việc ghi thu, ghi chi không dựa vào Ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương có chiều hướng gia tăng cả về số tiền và số đơn vị. Chẳng hạn năm 2010 có 9 bộ, ngành, 23 tỉnh, thành phố chi thu, ghi thu chưa “kịp” vào ngân sách với số tiền 1.899 tỷ đồng.

Theo nhận định, những sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, bố trí vốn, trái phiếu Chính phủ… được công bố chỉ là những chỗ “rách”, “lỗ thủng” nhìn thấy. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong khi Luật Ngân sách Nhà nước chưa thể sửa đổi ngay được, thì Quốc hội cần “tăng cường các phiên điều trần về ngân sách tại các cơ quan của Quốc hội để Quốc hội không bị “mang tiếng” là quá dễ dãi, không phạt “thẻ vàng, thẻ đỏ” những vi phạm và sai phạm ngân sách Nhà nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 vừa qua khẳng định, muốn tái cơ cấu nền kinh tế thành công, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng trong quản lý tài chính - ngân sách. Ngân sách Nhà nước vẫn bị “rách” nhiều chỗ, sửa đổi Luật Ngân sách, quản lý chặt ngân sách mới có thể vá lành “tấm áo” ngân sách vốn đã quá chặt và eo hẹp.