Nên mừng vì bị "cho thôi học"

ANTĐ - Đại học Tây Nguyên đưa hơn 1.000 sinh viên của trường vào diện cảnh báo vì kết quả học tập kém, trong đó  hơn 400 sinh viên đã bị cho thôi học, số còn lại đang “cầm đèn đỏ”. 
Nên mừng vì bị "cho thôi học" ảnh 1

Ngoài ĐH Tây Nguyên, một số trường như ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Văn hiến, ĐH Bách khoa Hà Nội… cũng đã công bố buộc thôi học hàng trăm sinh viên trong năm học 2014-2015. Thông tin này, xét ra là điều rất đỗi bình thường: Anh học kém, không chịu phấn đấu thì tất nhiên bị đuổi học. 

Thế nhưng những ngày qua, nó đã gây sốc cho không ít người. Bởi vì trước nay, như thông thường của đa số sinh viên là cứ vào trường là sẽ được tốt nghiệp, đỗ đại học thì tất sẽ có bằng đại học. Thế nên mới có hàng trăm nghìn cử nhân cầm tấm bằng đại học mà không có trình độ đại học. Cứ đỗ đại học là vinh hạnh cho bản thân, cả gia đình, họ hàng rồi. Còn bản thân khi lên lớp là lăn ra ngủ, bỏ học, nhờ học, nhờ điểm danh… cuối khóa vẫn cầm tấm bằng tốt nghiệp. Nghịch lý hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp, một phần lớn cũng từ đây mà ra.

Vậy nên, thành thật mà nói cái tin hơn 1.000 sinh viên có thể bị buộc thôi học có khi lại là tin vui của ngành giáo dục. Bởi nó cho thấy, các nhà trường đã kiên quyết sàng lọc và đào thải những sinh viên không đủ năng lực, ý thức học tập chứ không phải cứ đào tạo lấy số lượng để thu học phí. Sẽ thật nguy hiểm nếu những sinh viên như vậy vẫn ra trường, vẫn cầm tấm bằng đại học và để doanh nghiệp phải lắc đầu khi đi xin việc. Mà xét cho cùng, nó còn tốt cho cả chính những người học. Khi năng lực của họ không phù hợp, quyết định cho thôi học của nhà trường chính là giúp các em đỡ mất thời gian vô ích để các em có sự lựa chọn phù hợp hơn, đồng thời cũng nghiêm túc hơn trong việc học hành.

Kinh nghiệm của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới cũng cho thấy, việc siết chặt đầu ra của sinh viên là một việc làm cần thiết. Ở ta hiện nay đang “siết đầu vào, lỏng đầu ra”, khiến nhiều em sinh viên khi đã khó khăn để đỗ được vào đại học thì bắt đầu bằng lòng với chính mình, không phấn đấu vì biết kiểu gì chẳng được ra trường. Còn ở nhiều nước, họ mở rộng đầu vào các trường ĐH, CĐ và tích cực sàng lọc trong quá trình học, em nào không đủ năng lực, ý thức thì sẽ bị đào thải.

Ở bậc đại học, quan trọng nhất là quá trình học, chứ chất lượng đầu vào đôi khi không nói lên nhiều ý nghĩa. Vì vậy, “quy luật đào thải” nên được các trường áp dụng quyết liệt hơn nữa. Đó cũng chính là trách nhiệm đối với thương hiệu của mỗi trường, là trách nhiệm với nền giáo dục và cũng là trách nhiệm với tương lai các học viên được đào tạo.