Nâng độ tuổi trẻ em: Lo ngại tình huống cả mẹ và con đều là... trẻ em!

ANTĐ - Nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi là phù hợp xu thế chung của quốc tế, song trong bối cảnh nước ta hiện nay thì việc này có thể kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phức tạp. Thảo luận dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) ngày 23-11, một số ĐBQH cho rằng, nếu quy định tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi thì sẽ có những trường hợp cả mẹ và con đều là… trẻ em. 

Nâng độ tuổi trẻ em: Lo ngại tình huống cả mẹ và con đều là... trẻ em! ảnh 1ĐB Nguyễn Đắc Vinh (đoàn Đắc Nông) - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phân tích: “Nếu nâng độ tuổi dưới 18 gọi là trẻ em thì Luật Thanh niên sẽ phải sửa, tức là thanh niên Việt Nam sẽ từ 18 đến 30 tuổi (hiện Luật Thanh niên quy định tuổi thanh niên là từ 16 đến 30) và học sinh cấp 3 thì chưa biết để tổ chức nào quản lý”.

Qua thảo luận tại hội trường Quốc hội, đa số ĐB đồng tình với việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi như hiện nay lên dưới 18 tuổi. ĐB Phạm Thị Hồng Nga (đoàn Hà Nội) phân tích, việc quy định người từ 0 tuổi khi vừa mới sinh ra cho đến dưới 18 tuổi là trẻ em phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục bậc trung học phổ thông.

Mặt khác, từ 16 đến 18 tuổi là độ tuổi hết sức nhạy cảm cần phải được quan tâm đặc biệt để giúp trẻ em phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, tránh nguy cơ phải lao động sớm, bị lạm dụng, bị xâm hại. Đồng quan điểm, các ĐB Vũ Thị Hương Sen (đoàn Hải Dương), Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình)… cũng cho rằng quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi là phù hợp song đề nghị cần phải có giải trình rõ và thuyết phục hơn. 

Ở chiều ngược lại, một số ĐB cho rằng việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cần phải cân nhắc thận trọng hơn. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho biết, nếu tuổi trẻ em được tăng lên dưới 18 thì số trẻ em trên cả nước sẽ tăng từ khoảng 27 triệu người lên 30 triệu người. “Với số lượng gần 2.500 cán bộ làm công tác trẻ em như hiện nay còn chưa đáp ứng hết yêu cầu thì việc tăng số lượng trẻ em sẽ làm giảm nguồn lực dành riêng cho từng trẻ, dẫn đến công tác càng hạn chế” - ĐB này lo ngại. 

Nêu vấn đề đối tượng phạm tội ở tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng, ĐB Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc đưa người ở độ tuổi từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi vào nhóm trẻ em thì các em sẽ được pháp luật ưu đãi nhiều hơn, giảm tính răn đe của pháp luật đối với loại tội phạm ở lứa tuổi này. Vẫn theo ĐB này: “Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hiện khá phổ biến trẻ em gái độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi đã kết hôn và sinh con mặc dù luật pháp không cho phép, nay nếu nâng độ tuổi thì khi sinh con trong bệnh viện phụ sản, cả hai mẹ con sẽ đều là trẻ em”.

Trong khi các quy định về quyền trẻ em còn chưa đầy đủ thì ngược lại, ĐB Lù Thị Lừu (đoàn Lào Cai) chỉ ra, dự thảo luật đưa ra nhiều quy định bổn phận đối với trẻ em khá nặng nề và thiếu tính khả thi, chẳng hạn: “Quy định bổn phận trẻ em thực hiện gia đình văn hóa”, quy định “bổn phận trẻ em có trách nhiệm đối với bản thân”…

Cũng trong ngày 23-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 luật là Luật Thống kê (sửa đổi) và Luật Khí tượng thủy văn.