Cân nhắc kỹ việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18

ANTĐ - Sáng 13-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Vấn đề được các ĐBQH quan tâm và còn nhiều trăn trở  là việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 được quy định trong dự thảo luật, để phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Cân nhắc kỹ việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 ảnh 1

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống 
chính trị và toàn xã hội

Nêu quan điểm, cần cân nhắc quy định lại tuổi trẻ em dưới 18 tuổi vì như vậy sẽ không trải qua một giai đoạn chuyển giao như vị thành niên, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, luật này gộp chung tất cả các quyền trẻ em cùng một quyền như nhau là chưa đúng, bởi hành vi trẻ em trong cuộc sống hiện tại đối với một số lĩnh vực còn hơn cả người lớn. 

Theo ĐB Trương Minh Chiến (đoàn Bạc Liêu), dự thảo luật nên tách ra 2 nhóm tuổi: nhóm 1 dưới 13 tuổi và nhóm 2 từ 14 đến 18 tuổi. Cho rằng 2 nhóm này hoàn toàn khác nhau, ĐB Trương Minh Chiến phân tích, nhóm 2 gắn chặt với nhà trường hoặc có thể ở địa phương với môi trường lớn, phức tạp hơn, vì vậy chính sách pháp luật cũng phải khác nhau. Thực tế hiện nay, nhiều gia đình khoán trắng con cái cho nhà trường trông nom vì không có điều kiện gắn bó, quan tâm chăm sóc nên dự thảo luật cần tính toán để thống nhất hoạch định chính sách cho từng nhóm tuổi. 

Cho rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi cho phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em là rất hay, nhưng ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) e ngại, nếu chỉ áp dụng nửa vời, xây dựng luật chỉ để có thì không mang lại hiệu quả. Nguy cơ có thật là hiện nay nhiều em gái 16, 17 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đã mang thai, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần nghiên cứu kỹ về thực tế xã hội, cũng như các quy định pháp lý trong hệ thống pháp luật mới quy định.

“Thực tế, nếu quy định tuổi trẻ em từ 18 trở xuống thì sẽ có rất nhiều trẻ em lấy vợ, lấy chồng nhất là ở miền núi” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh và đánh giá nhiều vụ trọng án mà thủ phạm gây án là người dưới 18 tuổi đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Pháp lý nay lại quy định như vậy càng phức tạp hơn. Từ những vấn đề trên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị nếu quy định độ tuổi này với trẻ em, thì cần thành lập Tòa án cho trẻ em, hoặc có thể áp dụng biện pháp của một số nước, người phạm tội trong độ tuổi từ 16 - 18 có thể bị tạm giam, chờ cho đến khi đủ tuổi đem ra xét xử, để đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đồng tình với những quan điểm nêu trên, ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do vậy, dự thảo luật cần thống nhất từng cách ghi, quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ban, ngành và thể hiện rõ sự tương đồng với các luật khác, cũng như trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội và cơ hội tạo ra sự bảo đảm cho trẻ em.