Nâng chất lượng đời sống

(ANTĐ) - Mục tiêu số một của Chính phủ đã được xác định ngay từ đầu năm là kiềm chế lạm phát. Song không phải là kiềm chế bằng mọi giá mà vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý để đảm bảo sự cân bằng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Bởi nếu không có tăng trưởng thì thất nghiệp, nhất là thất nghiệp ở khu vực người nghèo sẽ tăng cao.

Cách đây một tháng, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2011 phấn đấu giữ ở mức 15%. Cho dù tình hình lạm phát trong tháng 5 và 6 đã “dịu” đi đúng như dự báo, nhưng tính chung CPI trong 6 tháng đầu năm vẫn còn tăng 13,29% so với cuối năm 2010. Như vậy, muốn đạt được mục tiêu kìm giữ CPI cả năm ở mức 15%, thì 6 tháng cuối năm nay chỉ được phép “nhích” lên chưa đầy 2%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh rằng, với những diễn tiến như hiện nay, quả thật đó là con số rất khó đạt được. Theo ông, chỉ tiêu khả dĩ và khả quan nhất có thể “cầm cự” đến hết năm nay là 17-18%. Dẫu vậy, để đạt được con số này đòi hỏi phải phấn đấu hết sức với tinh thần luôn đặt kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một. Tất nhiên, nếu cố gắng dùng mọi cách vẫn có thể “níu kéo” CPI chỉ tăng 15%, thế nhưng mọi nỗ lực dường như đã ở mức hợp lý nhất, không nên “già néo đứt dây”.

Vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách là: vừa phải đảm bảo mức tăng trưởng hợp lý, vừa phải kiềm chế lạm phát để doanh nghiệp và người dân có thể tin tưởng vào các biện pháp và quyết tâm của Chính phủ. Vậy thì tốc độ tăng trưởng GDP của cả năm 2011 bao nhiêu là hợp lý? Tốc độ tăng GDP nửa đầu năm nay là 5,6%, tức là thấp hơn tốc độ tăng 6,16% của cùng kỳ năm ngoái.

Vì vậy, dự báo GDP năm 2011 có khả năng tăng trưởng khoảng 6%. Đặt tốc độ tăng của lạm phát bên cạnh tốc độ tăng trưởng GDP, có thể thấy rõ lạm phát cao gấp 3 lần GDP. Rõ ràng khó mà lạc quan về đà phát triển của nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cũng như một số quan chức Chính phủ cũng đã cảnh báo về những thách thức lớn sẽ phải đối mặt.

Đó là việc thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất liên ngân hàng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc vay vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi Chính phủ đã xác định vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo được mức tăng trưởng hợp lý, thì mức tăng trưởng này phải bám sát yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như tăng hiệu quả đầu tư của nền kinh tế.

Trong phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hầu hết những ý kiến của các ủy ban của Quốc hội đều khẳng định, những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ cần được ghi nhận. Mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế phải giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân, chứ không chỉ tăng về số. Sự điều chỉnh chỉ tiêu CPI của Chính phủ cho sát với tình hình thực tế cho thấy, điều hành kinh tế không thể duy ý chí.