- Diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy tại khu làng nghề huyện Đan Phượng
- Hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ cho 300 hộ dân huyện Đan Phượng
- Cháy nhiều xưởng gỗ ở xã Liên Hà, Đan Phượng
Phòng cháy không còn là trách nhiệm của riêng ai
Đây là hoạt động được triển khai theo Quyết định số 3910/UBND-NC ngày 4/7/2025 của UBND TP Hà Nội về tổ chức triển khai, thực hiện công tác PCCC và CNCH.
Tại hội nghị, Trung tá Vũ Đức Hưng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội đã giới thiệu về Luật PCCC và CNCH được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 29/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025; Nghị định 105 ngày 15/5/2025 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và CNCH và Nghị định 106/CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Cùng với đó là Thông tư số 36 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC và CNCH và Nghị định 105/CP, và các Nghị định, Thông tư trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
![]() |
Trung tá Vũ Đức Hưng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Theo đánh giá của Trung tá Vũ Đức Hưng, hiện nay phần lớn các vụ cháy, nổ xảy ra tại địa bàn dân cư, hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, kho bãi, nhà xưởng xen lẫn trong khu dân cư - những nơi mà công tác PCCC phụ thuộc rất lớn vào chính quyền và công an cơ sở.
Việc Hà Nội triển khai mô hình chính quyền hai cấp đặt ra yêu cầu rõ ràng: UBND cấp xã phải thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH tại địa bàn, không còn chỉ là trách nhiệm của lực lượng chuyên ngành nữa.
“Công tác PCCC không còn là trách nhiệm riêng của lực lượng chuyên trách. UBND xã và Công an xã chính quy phải nắm vững thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, từ việc tuyên truyền, tổ chức kiểm tra, đôn đốc khắc phục vi phạm cho đến xử phạt hành chính, lập hồ sơ kiến nghị xử lý cơ sở nguy cơ cao”, Trung tá Vũ Đức Hưng nhấn mạnh.
Không để “trắng quản lý” tại cơ sở
Đan Phượng và Ô Diên là hai địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, chung cư, tòa nhà cao tầng và nhiều khu dân cư mới, hộ kinh doanh xen lẫn trong khu dân cư, nhà xưởng sản xuất nhỏ lẻ, kho bãi tập kết hàng hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ nghiêm trọng.
Bên cạnh một số địa bàn làm tốt công tác PCCC như làng nghề Tân Hội, thực tế kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy vẫn không ít cơ sở còn thiếu điều kiện an toàn PCCC cơ bản, hệ thống điện cũ kỹ, không có lối thoát nạn, thiết bị chữa cháy cầm tay không đầy đủ hoặc hư hỏng. Đáng chú ý, nhận thức của một bộ phận người dân, chủ hộ kinh doanh còn chủ quan, lơ là.
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại xã Ô Diên |
Để tháo gỡ vấn đề này, Trung tá Đỗ Xuân Cường - Phó Đội trưởng Đội CC và CNCH khu vực số 24, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ, quản lý Nhà nước về PCCC không chỉ là kiểm tra xử lý, mà còn là tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức tự phòng của cơ sở và người dân. Việc này cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền địa phương đến từng tổ dân phố”.
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại xã Đan Phượng |
Cũng chính vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm quản lý PCCC của UBND, Công an cấp xã sẽ giúp chuyển từ bị động chữa cháy sang chủ động phòng cháy với tinh thần: Không để cơ sở nào không quản lý. Không để lực lượng Công an xã nào thiếu nghiệp vụ. Không để chính quyền xã nào đứng ngoài công tác PCCC.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, sát sao Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, UBND và Công an cấp xã, thế trận PCCC toàn dân đang từng bước được củng cố vững chắc ngay từ “tuyến đầu cơ sở”, góp phần giữ vững bình yên cho nhân dân trong mọi tình huống.