'Nâng bước' người già, người yếu thế tiếp cận công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cứ đến cuối tuần, các nhà văn hóa nằm sâu trong khu dân cư của phường Long Biên, Hà Nội lại tấp nập, nhộn nhịp người đến học về công nghệ thông tin. “Học viên" chủ yếu là những người già, người yếu thế, còn các chiến sỹ Công an phường là những "gia sư"…

Ngày cuối tuần không nghỉ

Không còi xe, không tiếng kẻng báo giờ, cũng chẳng có dòng người xếp hàng làm thủ tục hành chính như mọi ngày và càng không phải với việc xử lý vi phạm, mà là những bàn tay kiên nhẫn hướng dẫn, những ánh mắt đầy chia sẻ và những nụ cười nhẹ nhõm khi người cao tuổi, người yếu thế được hỗ trợ sử dụng VNeID - ứng dụng định danh công dân trong thời đại số.

Không khẩu hiệu lớn lao nhưng việc làm của những cán bộ Công an phường Long Biên vào những ngày cuối tuần đơn giản chỉ là không để ai bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy công nghệ.

Rất nhiều người già được các chiến sỹ Công an phường Long Biên hỗ trợ sử dụng công nghệ

Rất nhiều người già được các chiến sỹ Công an phường Long Biên hỗ trợ sử dụng công nghệ

Ông Ngô Quang Nguyên năm nay 73 tuổi, trú tại tổ 32 - phường Long Biên đến nhà văn hóa với chiếc điện thoại cũ và gương mặt lo lắng. “Người ta bảo giờ đi khám bệnh hay nhận lương hưu phải có VNeID gì đó. Mà tôi không biết ấn vào đâu...” - ông Nguyên nói nhỏ như sợ làm phiền.

Ông Nguyên chia sẻ, sau khi tổ chức chính quyền điện tử, nhất là các thủ tục làm trên ứng dụng VNeID, thì người cao tuổi như tôi gặp rất nhiều khó khăn do không có điều kiện đi lại và hạn chế tiếp cận công nghệ thông tin thì lại càng khó. Tuy nhiên, nhờ việc hỗ trợ của Công an phường Long Biên, đến các tổ dân phố để hỗ trợ người dân nắm được việc sử dụng công nghệ thông tin đã giúp ông Nguyên vượt qua sự tự ti, tập sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống của mình hơn.

Chị Lê Thị Hiến bế con đến "học" công nghệ

Chị Lê Thị Hiến bế con đến "học" công nghệ

Cùng ở khu phố với ông Nguyên, chị Lê Thị Hiến làm nghề bán rau, thường xuyên phải đi sớm, về khuya ở các chợ nên mọi vấn đề về công nghệ thông tin chị chẳng biết cách sử dụng. Vừa hay tin các chiến sỹ công an đến hỗ trợ, chị Hiến vội vàng gửi hàng nhờ người bán, ôm cả con trai út đến học. “Mọi khi có việc gì liên quan thủ tục hành chính tôi lại phải nhờ chồng, hoặc thanh niên hàng xóm giúp. Nghe có các chú công an tôi vội chạy đến ngay, chẳng ai trông con hộ nên ôm cả con đến học”, chị Hiến vừa cười, vừa kể.

Chỉ sau một hồi được hướng dẫn, cán bộ công an đã giúp người dân tải ứng dụng, tạo tài khoản, cài đặt mã định danh, tích hợp bảo hiểm y tế... rồi kiên nhẫn chỉ từng thao tác nhỏ như: mở ứng dụng ra sao, quét mã thế nào, nếu quên mật khẩu thì làm gì? Không chỉ ông Nguyên, chị Hiến, nhiều cụ già đã ngoài 70 cũng đến để được hướng dẫn. Nhìn những người già, người yếu thế lúng túng tập vuốt màn hình bằng hai ngón tay run run tạo nên một cảm xúc khó tả. Hành trình chuyển đổi số của đất nước với những người già chỉ bắt đầu từ một chạm tay, nhưng là cả một thế giới lạ lẫm. Và thật may, họ không phải bước đi một mình.

Những “gia sư công nghệ”

Chia sẻ với phóng viên ANTĐ, Đại úy Nguyễn Tùng Sơn, Tổ phó Tổ Cảnh sát khu vực, Công an phường Long Biên cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chính quyền hai cấp, Ban chỉ huy Công an phường Long Biên đã chỉ đạo triển khai ngay các tổ hướng dẫn đặc biệt tại các địa bàn dân cư, tập trung hỗ trợ những người già, người yếu thế, người có hoàn cảnh neo đơn và khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ để hướng dẫn họ cách sử dụng công nghệ. Thậm chí, Công an phường cũng giải quyết các thủ tục hành chính lưu động tại các điểm hỗ trợ này.

Việc hướng dẫn được triển khai đều đặn vào hai ngày cuối tuần

Việc hướng dẫn được triển khai đều đặn vào hai ngày cuối tuần

Đây là một trong những hoạt động thiết thực được Công an phường Long Biên duy trì đều đặn vào các ngày cuối tuần, nhằm đồng hành cùng người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Công an phường Long Biên đã lựa chọn một cách tiếp cận đầy tình người: lấy cuối tuần - thời gian nghỉ ngơi để gần dân hơn, kiên nhẫn hơn. Không ít cán bộ trẻ đã trở thành “gia sư công nghệ” cho các cụ, không bằng cấp, không bảng đen, chỉ có ánh mắt động viên và bàn tay hướng dẫn.

“Mỗi người già hiểu được VNeID, là thêm một bước chúng ta kéo được họ lại gần với hệ thống quản lý mới. Nhưng hơn cả, đó là cách chúng tôi thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia và thái độ phục vụ thực chất” - Đại úy Nguyễn Tùng Sơn chia sẻ khi đang cài ứng dụng cho hai vợ chồng già không có email cá nhân.

Có người khuyết tật không thể bấm điện thoại bằng tay, có cụ không nhớ nổi mật khẩu, cũng có người chưa từng sở hữu một ứng dụng nào ngoài... cuộc gọi. Nhưng bằng tất cả sự tận tụy, cán bộ Công an phường Long Biên đã “gỡ rối” từng trường hợp. Bởi với họ, mỗi người dân hiểu được một ứng dụng, là một niềm tin được xây dựng.

Nhiều người dân không có điện thoại thông minh nên không thể tiếp cận công nghệ thông tin

Nhiều người dân không có điện thoại thông minh nên không thể tiếp cận công nghệ thông tin

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Công an phường Long Biên cho biết: Chuyển đổi số không thể chỉ dừng lại ở máy móc và ứng dụng, mà phải bắt đầu từ con người. Với người trẻ, thao tác với VNeID là điều dễ dàng. Nhưng với người già, người yếu thế, đó là cả một rào cản và lực lượng công an cơ sở phải là người gỡ rào cản đó”.

Những buổi cuối tuần hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ số của Công an phường Long Biên rất thiết thực và ý nghĩa. Đó là nơi người già, người yếu thế không thấy mình lạc lõng giữa "biển" công nghệ, nơi chuyển đổi số không phải là cuộc chạy đua máy móc, mà là hành trình có người đồng hành, kiên nhẫn và thấu hiểu.

Giữa dòng chảy công nghệ đang phát triển nhanh, không phải ai cũng đủ điều kiện theo kịp. Nhờ những buổi hỗ trợ công nghệ được Công an phường Long Biên thực hiện, sự chuyển đổi số không còn khô cứng mà trở nên ấm áp, gần gũi và nhân văn hơn bao giờ hết.