Tối 22/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã phát đi thông báo khẩn về tình hình ứng phó thiên tai, lũ lụt. Đáng chú ý, trong thông báo nêu rõ: Lúc 21h cùng ngày, lưu lượng nước về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần chạm ngưỡng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s - tần suất 0,02%, tức 5.000 năm xảy ra một lần.
Con số tần suất lũ 5.000 năm xảy ra một lần không khỏi khiến nhiều người băn khoăn và nghi ngờ về tính thực tế. Vậy, con số trong báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An nên được hiểu như thế nào?
Tiến sĩ Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) lý giải, con số từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An đưa ra cho thấy, đã xảy ra lũ cực hiếm trên thượng nguồn sông Cả, tiềm ẩn nguy hiểm đến công trình hồ chứa và dân cư, cơ sở hạ tầng.
Còn thông tin “lũ 5.000 năm mới có một lần” phải hiểu đúng là trận lũ có độ lớn ứng với trận lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm, không phải 5.000 năm mới xảy ra 1 lần, vì xác suất là độc lập, hoàn toàn có thể xảy ra vào năm sau hoặc sau nữa khi xảy ra các đợt mưa lớn.
![]() |
Thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An xả lũ |
Nói cụ thể, nếu một trận lũ có chu kỳ lặp lại là 5.000 năm, điều đó có nghĩa là xác suất để nó xảy ra trong một năm bất kỳ là 1/5.000, hay 0,02%/năm. Đây là một giá trị xác suất, chứ không phải một cam kết về mặt thời gian.
Lũ 2 năm có một lần tương đương 50% xảy ra mỗi năm. Lũ 5.000 năm tương ứng với xác suất chỉ 0,02% mỗi năm, cực kỳ hiếm nhưng không phải không thể xảy ra.
TS Lương Hữu Dũng lấy ví dụ, trong trường hợp vào tháng 8 ở Nghệ An lại có một trận mưa lớn hơn hoặc tương tự trận mưa vài ngày qua thì vẫn có thể tiếp tục được đánh giá là "tần suất 0,02% tương ứng với chu kỳ lặp lại 5.000 năm”. Điều này không có gì mâu thuẫn, vì nó chỉ phản ánh xác suất thống kê.
"Người dân và truyền thông không nên hiểu nhầm rằng “đã có một trận rồi thì 5.000 năm nữa mới có trận tiếp theo”. Điều cần lưu ý là đối với lũ tần suất càng nhỏ, tức xác suất càng thấp, thì mức độ hiếm và cực đoan của hiện tượng càng lớn, nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra liên tiếp", TS Lương Anh Dũng cho hay.
Điều quan trọng là truyền thông và cơ quan chuyên môn phải nói rõ rằng đây là xác suất xảy ra, không phải phản ánh khoảng thời gian cố định, cụ thể. Việc đánh giá “lũ 100 năm”, “lũ 5.000 năm” là tính toán độ lớn đặc trưng mưa, mực nước, lưu lượng trong thiết kế đê điều, hồ chứa, quy hoạch phòng chống thiên tai, chứ không phải để dự báo thời điểm cụ thể xảy ra lũ.
Tương tự, theo một chuyên gia về thủy văn, cụm từ “vượt lũ kiểm tra và vượt tần suất 5.000 năm” không phải lỗi số liệu mà là cách gọi chuyên ngành thủy văn, chỉ mức độ cực đoan của trận lũ. “Tần suất 5.000 năm” nghĩa là trận lũ có xác suất xảy 0,02% mỗi năm. Đây là cấp độ lũ cực hiếm, cần điều tiết đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.
Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ, với công suất thiết kế 320MW, có diện tích lưu vực rộng hơn 8.700km².
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hồ Bản Vẽ đã phải mở cửa xả từ chiều 22/7 để điều tiết. Sáng nay 23/7, mực nước hồ vẫn cao (nhưng tổng nước lũ về đã giảm rất đáng kể) và đang được xả 4.351 m3/giây để đảm bảo cân bằng giữa an toàn công trình và cắt lũ giúp hạ du.
Giám đốc Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, ông Tạ Hữu Hùng cũng lý giải con số “5.000 năm một lần” là một thông số mang tính thống kê kỹ thuật. “Tần suất 0,02% tương ứng với chu kỳ 5.000 năm. Tương tự, tần suất 1% là 100 năm, 0,1% là 1.000 năm.
Khi xây dựng các công trình thủy điện, người ta áp dụng hai mức tần suất: lũ thiết kế và lũ kiểm tra. Riêng với thủy điện Bản Vẽ – một công trình đặc biệt – mức lũ kiểm tra được xác định theo tần suất 0,02%”, ông Hùng nói.