Năm người nhập viện sau ăn lẩu, Bộ Y tế yêu cầu tạm đình chỉ quán để điều tra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi ăn lẩu tại quán lẩu Chiêm Còi ở đường Thanh Niên (phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), có 05 trường hợp đã phải nhập viện điều trị nghi ngộ độc…
Cơ quan chức năng của địa phương đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại quán lẩu Chiêm Còi
Cơ quan chức năng của địa phương đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại quán lẩu Chiêm Còi

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết vừa nhận được thông tin từ Phòng Quản lý ATVSTP - Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Theo đó, sau khi ăn lẩu tại quán lẩu Chiêm Còi (phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), có 05 trường hợp nhập viện và đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Trước tình hình trên, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân trên, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên (Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai).

Cùng đó, tạm thời đình chỉ cơ sở quán ăn nghi liên quan đến vụ ngộ độc để điều tra nguyên nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp về Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả nhằm kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Sở Y tế Bắc Kạn phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện ATTP; tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức ATTP và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm…

Trước đó, vào tối 17-10, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn) tiếp nhận 5 trường hợp (gồm: 3 nam và 2 nữ ở tỉnh Cao Bằng), nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Theo xác minh ban đầu, khoảng 19h ngày 17-10, cả 5 người này cùng ăn lẩu tại quán Chiêm Còi. Các món ăn gồm: Nồi nước lẩu bằng xương lợn, có tiết lợn chín, sụn sườn, lòng non, nấm, cháo, rau xanh... Sau khi ăn lẩu và uống rượu được khoảng 10 phút, cả 5 người có dấu hiệu hoa mắt, sắc mặt tái, khô miệng, nôn; trong đó 1 người bị lả đi tại chỗ.

Khi được đưa đến bệnh viện, các bệnh nhân có dấu hiệu tím tái, khó thở, nôn, lả người, lạnh, huyết áp tụt, đồng tử giãn.

Tại bệnh viện, các bệnh nhân đã được xử lý xông dạ dày, thở ô xy, bơm rửa đường tiêu hóa… theo phác đồ cấp cứu ngộ độc hàng loạt. Qua xử trí, các chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân tạm thời ổn định.

An toàn thực phẩm tại các quán ăn vỉa hè còn nhiều nỗi lo

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm cơ sở quán ăn đường phố bị xử phạt vì vi phạm liên quan đến ATTP. Chẳng hạn, tại quận Hai Bà Trưng, trong tháng 8-2023 đã xử phạt 22 cơ sở vi phạm hành chính; hay tại quận Đống Đa tính đến hết tháng 8-2023 đã xử phạt hành chính 37 cơ sở với tổng số tiền trên 275 triệu đồng...

Các lỗi vi phạm chủ yếu là: nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn…

Các chuyên gia y tế cho rằng, thực phẩm đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP. Thực tế đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, để công tác quản lý ATTP tiếp tục phát huy hiệu quả, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cần kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm; đồng thời công khai thông tin để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm tới các nhóm đối tượng đích, gồm: Người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Để tránh tối đa rủi ro liên quan đến ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, hoa quả dầm, nộm, thịt nướng… ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận.

Ngoài ra, không ăn rau sống, rau thơm thường được dùng ăn kèm với các món bún riêu, bánh cuốn, bánh mỳ patê… bày bán ở các quán hàng vỉa hè…