Năm 2050: Cả nước sẽ thừa 4,3 triệu nam giới

ANTĐ - Mất cân bằng giới tính khi sinh đã xuất hiện ở nước ta vài năm trở lại đây và ngày càng trầm trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu tình trạng này, điều tiên quyết là phải thay đổi được quan niệm, chứ không phải là o ép, xử phạt hay cấm phá thai. 

Tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng (Ảnh minh họa)

Càng giàu, càng thích con trai

Ngành dân số nước ta đặt mục tiêu đến năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 115 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) Dương Quốc Trọng, mục tiêu này khó khả thi. Thực tế trong 5 năm trở lại đây, tỷ số này liên tục gia tăng. Lo ngại hơn, mức tăng mạnh lại đến từ những khu vực có đời sống kinh tế phát triển, gia đình khá giả, trình độ học vấn cao. Điều đó cho thấy không chỉ người nghèo, dân số ở các khu vực nông thôn còn nặng tâm lý “chuộng con trai” mà ngay cả ở thành thị, ở lớp người giàu cũng vẫn còn quan niệm thích và mong muốn con trai hơn.

Đáng chú ý, hiện nay ở nước ta xuất hiện xu hướng người dân lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ lần sinh đầu tiên, trong khi trước đó thường ở các lần sinh sau họ mới chủ định chọn giới tính. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở khu vực đồng bằng sông Hồng, nhất là các thành thị và tập trung cao hơn ở nhóm công nhân viên chức nhà nước. Nguyên nhân được lý giải là do tâm lý muốn “ăn chắc” của các cặp vợ chồng, bởi nếu lần sinh đầu đã sinh được con trai thì không còn phải bận tâm, lo lắng đến giới tính con cái trong lần sinh sau, mọi áp lực vô hình từ quan niệm cổ hủ “trọng nam khinh nữ” được rũ bỏ. Hơn nữa, nhóm người giàu, dân số ở thành thị cũng có điều kiện hơn so với các vùng khác trong việc tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ giúp lựa chọn giới tính khi sinh.

TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỷ số giới tinh khi sinh có thể tăng lên khoảng 125/ 100 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050, tương ứng với việc chúng ta sẽ dư thừa khoảng 12% nam giới tuổi dưới 50 vào giữa thế kỷ này. Tính theo con số cụ thể, đến năm 2050, cả nước có thể sẽ dư thừa khoảng 2,3-4,3 triệu nam giới, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy từ tình trạng thừa nam, thiếu nữ gây ra. 

Xử phạt nặng vẫn thất bại

Trước xu hướng trên, Pháp lệnh về dân số ở nước ta đã có nhiều điều chỉnh, trong đó nhấn mạnh việc lựa chọn giới tính thai nhi, dưới mọi hình thức, đều là việc làm trái pháp luật. Ngay cả một số biện pháp về công nghệ như sàng lọc biết sớm giới tính thai nhi, sàng lọc tinh trùng, được coi là hợp pháp tại Thái Lan thì ở nước ta cũng bị nghiêm cấm. Không những vậy, ngành dân số phối hợp với nhiều ban, ngành liên quan đã tổ chức hàng trăm đợt thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề vi phạm pháp lệnh dân số, cố ý thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi. Dù vậy, TS. Dương Quốc Trọng cho biết, thực tế những sai phạm này vẫn diễn ra và hầu hết không phát hiện, xử phạt được. 

Cũng theo TS. Dương Quốc Trọng, Trung Quốc là một nước có quá trình phát triển dân số rất tương đồng với Việt Nam và trong những năm qua, đất nước này đã làm rất mạnh, thực hiện các biện pháp rất quyết liệt để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Cụ thể, họ coi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi là một hành vi tội phạm, nặng nề giống như tội tham nhũng, tổ chức các đợt truy quét và xử phạt rất nặng. Vậy nhưng rốt cuộc, nước này vẫn thất bại, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn rất cao.

Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, ông Guilmoto, chuyên gia hàng đầu thế giới về dân số của Quỹ dân số Liên hợp nhấn mạnh, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, việc thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi người là việc làm quan trọng hơn cả. Ông này dẫn chứng “tại nhiều nước phát triển, công nghệ của họ phát triển hơn Việt Nam nhiều lần, pháp luật cũng không nghiêm cấm chặt chẽ, vậy nhưng ở họ lại không xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bởi thế, cái đầu, tư tưởng là quan trọng nhất”. Rõ ràng, chỉ khi nào bản thân mỗi người không còn nặng quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, không còn tâm lý phải có con trai bằng mọi cách… thì tình trạng này mới được giải quyết dứt điểm.

Cần giáo dục giới tính ngay từ nhà trường

Phát biểu tại hội thảo quốc gia về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, do Bộ Y tế tổ chức ngày 3-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sự gia tăng tỷ số giới tính ở nước ta, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại. Theo Phó Thủ tướng, tình trạng này sẽ không thể giảm được nhanh trong thời gian tới nhưng vẫn phải làm, phải truyền thông mạnh mẽ hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Y tế cần phối hợp với ngành Giáo dục nghiên cứu đưa vấn đề giới tính vào các chương trình chính thức để ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, các em có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới.