Năm 2022 mới bán lẻ điện cạnh tranh: Quá muộn!

ANTĐ - Ngày 20-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

ĐB Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) cho rằng, giá điện bán lẻ là quan trọng nhất, liên quan trực tiếp tới nhiều người dân. Ông nhấn mạnh, thời gian qua, tình trạng độc quyền trong cung cấp điện đã gây bức xúc trong dư luận. Để chống độc quyền tiếp diễn, cần công khai, minh bạch giá điện trên cơ sở giá phải bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu vấn đề: “Việt Nam đã gia nhập WTO mà vẫn tồn tại tình trạng độc quyền của ngành điện là bất bình đẳng”.

Đồng tình, nhiều ĐBQH đề xuất, cần tái cơ cấu ngành điện, đồng thời khuyến khích, mở rộng các thành phần tham gia đầu tư, làm tăng nguồn điện cung ứng cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư của tư nhân. Liên quan tới giá bán lẻ điện, các ý kiến đề xuất quy định về giá điện phải phù hợp với Luật Giá. Việc tính giá điện chưa tính hết các yếu tố, thấp hơn giá trị thực tế sản xuất nên chưa tạo được động lực khuyến khích sản xuất kinh doanh điện và khiến người sử dụng chưa có ý thức tiết kiệm điện. Dự thảo cần làm rõ các loại giá và phí vì khi chuyển phí thành giá sẽ khiến giá bán lẻ điện bị “đội” lên rất cao, về bản chất kinh tế, kết cấu đó không hợp lý.  

Đánh giá lộ trình phải đến năm 2022, mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là “quá muộn”, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) phân tích: “Càng sớm thực hiện cạnh tranh bao nhiêu, người dân được nhờ bấy nhiêu. Nếu chỉ có một đơn vị duy nhất bán lẻ, không có cạnh tranh sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch”. Trước các ý kiến này, Bộ Công Thương giải trình, việc phát triển thị trường điện theo từng cấp độ tăng dần với thời gian chuyển mỗi cấp độ từ 7 đến 8 năm là bước đi thận trọng nhằm đảm bảo sự phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với sự phát triển ngành điện trên các khía cạnh về cơ cấu tổ chức, hệ thống các văn bản pháp lý, cơ sở hạ tầng hệ thống điện cũng như năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường. Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình thực hiện, nếu các điều kiện trên được đáp ứng thì có thể xem xét, kiến nghị Chính phủ để rút ngắn lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Bộ Công Thương cho biết, hóa đơn tiền điện cho khách hàng sắp tới sẽ được thay đổi theo hướng thể hiện giá của các khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh điện và các loại phí.