Mỹ chính thức nhập khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam, làm sao để giữ thị trường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam.

Mở thị trường đã khó, giữ thị trường càng khó hơn

Như vậy, trái bưởi tươi của Việt Nam là loại trái cây thứ bảy được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Chia sẻ về việc này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, khi đề xuất mở cửa đối với trái bưởi, từ nhiều năm nay Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các nhà vườn, người trồng và các cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, kiểm soát các vườn trồng tuân thủ theo các quy trình từ sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); Quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp (IPM) để làm sao bảo đảm các sản phẩm có chất lượng và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và những hoạt chất phía Mỹ đã không cho phép sử dụng thì tuyệt đối không được sử dụng.

Đến nay để bảo đảm các mã số vùng trồng của chúng ta đáp ứng được yêu cầu của phía Hoa Kỳ hay không phải khẳng định là chúng ta hoàn toàn có thể làm được, và người trồng cũng đã quen với những yêu cầu này. Bởi, không chỉ Mỹ, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều thị trường.

Trái bưởi tươi của Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Trái bưởi tươi của Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Dù vậy, ông Hoàng Trung cũng khuyến cáo, việc mở thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường càng khó hơn. Bởi vậy, đề nghị các bên liên quan phải nắm chắc các nội dung về yêu cầu kiểm dịch thực vật mà phía Hoa Kỳ đưa ra, như: các cơ sở đóng gói cần phải đáp ứng các yêu cầu, các mã số vùng trồng phải kiểm tra, kiểm soát 6 đối tượng sinh vật gây hại đã đưa vào trong văn bản ký kết mà phía Hoa Kỳ rất quan tâm.

“Nói cách khác chúng ta phải có cách thức phòng và loại trừ những đối tượng sâu bệnh đó trước khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đó là trách nhiệm của chủ các mã số vùng trồng, cũng như của các cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm giám sát để làm tốt công việc này, đây là một trong những khâu rất quan trọng.

Việt Nam có hơn 105.000 ha bưởi

Muốn có sản phẩm chất lượng, sản phẩm sạch đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Hoa Kỳ đầu tiên các sản phẩm từ vườn ra phải sạch sinh vật gây hại. Đối với các cơ sở chiếu xạ sau khi đã hoàn thành các quy trình, quy cách đóng gói và đã kết nối với các doanh nghiệp để xuất khẩu thì phải tuân thủ đúng theo các yêu cầu; liều lượng chiếu xạ”- ông Hoàng Trung cho hay.

Bên cạnh đó, việc lấy mẫu cũng phải tuân thủ theo đúng quy định. Cụ thể như, lấy ít nhất 5 thùng, 149 quả, chia ra kiểm tra bên ngoài- bên trong để làm sao sau khi cấp cấp Giấy chứng nhận bảo vệ thực vật phải đáp ứng đầy đủ theo đúng yêu cầu mà văn bản đã ký kết với Hoa Kỳ.

Ngoài ra, việc duy trì các điều kiện của mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói phải làm một cách thường xuyên, liên tục, không phải là một vụ mà là thường xuyên nhiều vụ thì chúng ta mới bảo đảm điều kiện xuất khẩu trái bưởi sang thị trường Hoa Kỳ một cách bền vững.

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật đã công bố sự kiện yêu cầu kiểm dịch thực vật quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trái bưởi tươi của Việt Nam là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đăng trên công báo liên bang (Federal Register) quyết định cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 4/10/2022.

Thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây, mỗi năm lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Trong đó, đồng bằng sông Hồng có hơn 13.000 ha với sản lượng trên 175.000 tấn; trung du miền núi phía Bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 253.000 tấn. Diện tích trồng bưởi lớn nhất tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 32.000 ha, sản lượng khoảng 369.000 tấn.

Cục Bảo vệ thực vật nhận định, với diện tích và sản lượng lớn, vùng trồng bưởi phân bố ở nhiều địa phương sẽ là điều kiện thuận lợi để quả bưởi Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, không chỉ có thị trường Mỹ.