Thủ tướng: Ngành nông nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái trái cây để tăng giá trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tối 28/5, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 đã khai mạc tại tỉnh Sơn La. Sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 diễn ra từ ngày 28/5/2022 đến 31/05/2022 với quy mô 321 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, HTX tới từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện nay, diện tích trồng cây ăn trái của cả nước khoảng 910.000ha, với sản lượng cho trái đạt khoảng 9,5 triệu tấn/năm. Với đặc điểm địa lý trải dài hơn 1.600km từ Bắc tới Nam, khí hậu Việt Nam được phân bố đa dạng tạo nên những trái cây đặc sản vùng miền đặc trưng, trái cây Việt Nam trở thành những sản phẩm độc đáo, món quà dinh dưỡng thiên nhiên dành cho sức khỏe gia đình.

Lễ khai mạc Festival và sản phẩm Ocop diễn ra đặc sắc tại quảng trường Tây Bắc, TP Sơn La vào tối 28/5

Lễ khai mạc Festival và sản phẩm Ocop diễn ra đặc sắc tại quảng trường Tây Bắc, TP Sơn La vào tối 28/5

Trong hơn 10 năm qua, xuất khẩu trái cây và rau quả nói chung của Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong số những mặt hàng giúp mang lại nhiều nguồn ngoại tệ cho quốc gia. Hiện rau quả tươi của nước ta đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm một số gian hàng trái cây tại Festival 2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm một số gian hàng trái cây tại Festival 2022

Sơn La vùng đất có khí hậu nhiệt đới, mang đặc điểm khí hậu chung của vùng Tây Bắc, rất có lợi thế để phát triển các loại nông, lâm sản, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 82.800 ha cây ăn quả với các loại, với sản lượng trên 450.000 tấn/năm. Trong đó nổi tiếng với sản phẩm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: xoài tròn Yên Châu, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, táo sơn tra Sơn La, bơ, mận hậu Mộc Châu, na Mai Sơn...

Hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã nô nức đổ về khu vực quảng trường Tây Bắc để tham dự ngày hội trái cây lớn nhất cả nước lần đầu tiên tổ chức trên địa bàn tỉnh nhà

Hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã nô nức đổ về khu vực quảng trường Tây Bắc để tham dự ngày hội trái cây lớn nhất cả nước lần đầu tiên tổ chức trên địa bàn tỉnh nhà

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên.

Dòng người ùn ùn đổ về quảng trường Tây Bắc trong tối 28/5, lực lượng chức năng căng mình phân luồng, điều tiết giao thông

Dòng người ùn ùn đổ về quảng trường Tây Bắc trong tối 28/5, lực lượng chức năng căng mình phân luồng, điều tiết giao thông

Hiện Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021, trong đó rau quả đóng góp gần 3,6 tỷ USD. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là một điểm sáng về phát triển cây ăn trái.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường...

“Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Sơn La nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Sơn La và của vùng Tây Bắc và cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”- Thủ tướng nêu rõ.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng Sơn La đã có 83 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.