Muốn biết mình ở vị trí nào
(ANTĐ) - Tại Cuộc thi Tài năng 2010 (Talent Prize 2010) nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ trong lĩnh vực hội họa, Ban Giám khảo chọn các bức tranh của Lê Trần Anh Tuấn, giảng viên khoa Sư phạm, ĐH Mỹ thuật Việt Nam vì những lý do, trước tiên, kỹ thuật và bố cục của tranh rất tốt, chủ động trong bút pháp, tranh rất biểu cảm, có sức thuyết phục song cơ bản là vì những lớp ý nghĩa khác nhau có thể nhận ra được từ tác phẩm…
Lê Trần Anh Tuấn |
- Anh quan tâm đến điều gì nhất trong một tác phẩm hội họa?
- Trong mỗi tác phẩm, điều tôi quan tâm nhất đó chính là ngôn ngữ. Tất nhiên tác phẩm cần “idea” (ý tưởng), nhưng sau ý tưởng đó là cái gì. Người họa sỹ sử dụng ngôn ngữ gì để thể hiện ý tưởng, nâng ý tưởng lên một tầm khác chứ một tác phẩm không chỉ dừng ở ý tưởng.
- Lối đi trên con đường nghệ thuật của các nghệ sỹ trẻ cần được hiện thực hóa bằng cách nào?
- Nó tùy thuộc hoàn toàn vào suy nghĩ của từng cá nhân lựa chọn con đường đi cho riêng mình, không người nào giống người nào được. Tôi đang sống trong giai đoạn này nên tôi thích làm các đề tài bao trùm đời sống hiện thực của chúng tôi.
- … Mang tính đương đại?
- Tôi không nghĩ vậy, một tác phẩm đương đại hay không đương đại không phụ thuộc vào đề tài. Mà chính xác và quan trọng phải là tính đương đại trong tác phẩm. Không phải cứ “há mồm, trợn mắt”, mang tính dọa nhau… mới là đương đại. Tôi rất thích họa sỹ Trần Trọng Tín, ông sinh ra từ những năm của thập niên 30 thế kỷ trước, là người tự học hội họa, những năm đấy ông vẽ mà khi xem lại tranh của ông đã mang đầy tính đương đại. Ông đã đi trước thế hệ trẻ bây giờ quá xa với lối tư duy đương đại ngay từ thời kỳ ấy. Họa sỹ Bùi Xuân Phái đã từng nói về họa sỹ Trần Trọng Tín một câu rằng “Màu của Trần Trọng Tín là màu của trời cho”.
- Anh có kỳ vọng nhiều khi đến với Talent Prize 2010 do Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) tổ chức?
- Talent Prize được khởi động với mục đích khuyến khích các nghệ sỹ tạo hình trẻ của Việt Nam trong lĩnh vực hội họa phát triển những phương thức sáng tạo độc đáo và khơi dậy sự cách tân. Cuộc thi có khoảng 200 bộ hồ sơ tham gia, tương ứng với khoảng 700 tác phẩm, tôi là 1 trong 8 nghệ sỹ có tác phẩm xuất sắc nhất được CDEF lựa chọn vào vòng chung khảo. Đây thực sự là một sân chơi lớn, là địa điểm để giao lưu nghệ thuật với các bạn nghệ sỹ trẻ, mục đích lớn hơn cả của tôi là luôn muốn biết mình đang nằm ở vị trí nào!
- Anh gửi bao nhiêu tác phẩm dự thi, chủ đề xuyên suốt và anh muốn gửi gắm điều gì trong đó?
- Tôi gửi 5 tác phẩm dự thi với chủ đề nói về đời sống và tính cách của thế hệ tuổi teen bây giờ. Cảm nhận của một người nghệ sỹ về đời sống của giới trẻ, họ sống như thế nào, quan điểm và cách nhìn nhận của họ về một thế giới toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ.
Một số tác phẩm dự thi Talent Prize 2010 của Lê Trần Anh Tuấn |
- Trước đến nay người trong giới nhắc đến Lê Trần Anh Tuấn là các tác phẩm vẽ bướm?
- Từ thuở ban đầu tôi không chỉ vẽ bướm riêng mà vẽ nhiều về thiên nhiên, các hình tượng khác như con chim thiên đường, cuộc di cư hoặc trở về của các chú chim. Sự thay đổi liên tục theo từng thời kỳ mà không thể dừng chân ở một đề tài được, sau đó tôi tìm tòi và quan tâm nhiều đến đời sống xã hội của giới trẻ bây giờ. Cũng có những tuýp người nghệ sỹ cực đoan, cho dù các nghệ sỹ khác có thay đổi như thế nào người ta vẫn như thế và chỉ như thế. Họ rất hay ở chỗ họ làm tới độ thì thôi mặc dù rất chán. Xét trong một khía cạnh nào đó, người nghệ sỹ cũng cần có điều đó.
- Không ít các nghệ sỹ cực đoan trong nghề nghiệp, nhưng trong chính sự cực đoan đấy lại là những triết lý sống rất nghề. Anh có thích quan điểm của một họa sỹ nào đó?
- Tôi rất thích quan điểm của họa sỹ Liu Ye người Trung Quốc, ông đã từng nói: “Đối với tôi nghệ thuật không phải là vũ khí, nghệ thuật chỉ là nghệ thuật, và điều tôi quan tâm nhất trong một tác phẩm nghệ thuật đó là ngôn ngữ. Ngôn ngữ có hay thì tác phẩm mới hay!”.
- Trong hội họa điều gì quan trọng nhất đối với tác phẩm?
- Với tôi điều đầu tiên đối với một tác phẩm của nghệ thuật giá vẽ là phải đẹp!
- Vậy thế nào thì được coi là một tác phẩm đẹp?
- Đây là một phạm trù rất rộng, bởi nếu ở thời kỳ chủ nghĩa ấn tượng, một tác phẩm cần bút pháp đẹp, hòa sắc đẹp, kết cấu bố cục tốt trong tranh sẽ có một tác phẩm tốt. Trong thời kỳ ấn tượng người họa sỹ nếu sử dụng những màu chói lọi, đối lập nhau rất nhiều thì không thể gọi là đẹp được; nhưng sang thời kỳ Pop thì lại được chấp nhận. Khái niệm đẹp ở đây rất mở… Vậy đẹp ở đây là gì, đó là ngôn ngữ phải hay. Trong một tác phẩm mà độ nghề yếu, ý tưởng không có gì, ngôn ngữ nông… thì không thể nói đó là một tác phẩm tốt được. Có người lấp liếm bằng cách không cần cái gì cả, mà chỉ cần ý tưởng, tôi không đồng tình với quan điểm đấy.
- Như một dòng chảy mang tính tích cực, ngày càng đông các bạn trẻ đam mê thi vào các trường nghệ thuật; là một họa sỹ, lại đứng trên cương vị một người thầy, theo anh yếu tố năng khiếu quyết định nhiều vào sự thành công của một họa sỹ?
- Trong lĩnh vực hội hội năng khiếu không quyết định tất cả nhưng chiếm đến tỉ lệ 50%. Người có năng khiếu họ học rất nhanh, nhưng quan trọng hơn đó là cần có một lòng yêu nghề, mà nếu nói như chúng tôi thì cần độ trì với nghề, với thời gian. Bởi trước một thực tế khi sinh viên thi vào trước, thời điểm luyện thi rất chăm chỉ để vào trường bằng được, đỗ vào rồi lại rất lười và niềm đam mê giảm sút một cách nhanh chóng. Đó là một sai lầm, khi đặt chân vào trường là thời điểm họ bước qua cánh cổng, học xong ra đời chưa chắc đã làm được cái gì, bởi nhà trường không thể đào tạo ai cũng có thể trở thành nghệ sỹ.
- Khi xem một tác phẩm hội họa, đánh giá của anh có bị ảnh hưởng bởi tên tuổi của người nghệ sỹ?
- Tôi không quan trọng tên tuổi khi xem và nhìn nhận tác phẩm hội họa. Tôi quan tâm đến chất lượng của tác phẩm bởi hiện giờ có rất nhiều các họa sỹ trẻ hơn tôi rất nhiều, chưa hề có tiếng tăm nhưng rất khá. Và cũng không ít các nghệ sỹ có tên tuổi cũng có những tác phẩm không hay bằng các tác phẩm trước đây, ở đó có thể hiểu là một sự dễ dãi nào đó. Ngay đến cả “người khổng lồ”, danh họa Picaso cũng không phải tác phẩm nào của ông cũng hay, cũng tuyệt vời. Để có một tác phẩm thành công người nghệ sỹ đã mất quá nhiều các tác phẩm không thành công.
- Người nghệ sỹ không có cái tôi của bản thân sẽ dẫn đến hệ quả nào?
- Điều đó chẳng khác nào người nghệ sỹ không có cá tính, không tìm được con đường đi riêng của mình. Khi một người nghệ sỹ mà không có tiếng nói riêng của mình đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp.
- Khi cái tôi cá nhân đi quá giới hạn sẽ trở thành bảo thủ?
- Nếu cái tôi được đưa ra không được chấp nhận mà người nghệ sỹ vẫn cực đoan làm sẽ xảy ra một là người nghệ sỹ sẽ thành công, ở thời điểm này chưa được chấp nhận nhưng sau này sẽ được chấp nhận. Họ được liệt vào những người nghệ sỹ đi trước thời đại. Hai là người nghệ sỹ sẽ không bao giờ được chấp nhận, họ thất bại và buộc phải chấp nhận.
- Qua đây, anh muốn gửi gắm điều gì đến sinh viên của mình nói riêng và lớp lớp các bạn trẻ đam mê nghệ thuật hội họa nói chung?
- Điều đầu tiên các bạn hãy hun đúc trong chính các bạn lòng yêu nghề, làm việc liên tục, nếu làm được điều đó các bạn sẽ có tất cả!
...
Để nói vài lời về Lê Trần Anh Tuấn, có lẽ với tôi không thể nói nhiều hơn một câu, anh ấy là bạn. Bởi không thể nói gì hơn về nghề khi tôi là người nằm ngoài cái địa hạt trong thế giới của anh, thế giới của nghệ thuật giá vẽ.
Chỉ biết rằng anh đã đi qua độ tuổi bồng bột như tôi, hay như một người yêu tranh của Lê Trần Anh Tuấn nhận xét, xem tranh anh sẽ khiến con người ta bất giác dừng lại giữa bộn bề của cuộc sống để xem, để nghĩ và cuối cùng là bị hút vào một mê cung của thế giới nội tâm dịu dàng.
Lê Trần Anh Tuấn là vậy, anh đủ thông minh để khéo léo qua tranh bày tỏ được nội tâm của chính mình, một tâm hồn nhẹ nhàng tinh tế dưới một bút pháp mạnh mẽ có phong cách rất riêng.
Lê Trần Anh Tuấn sẽ không chịu dừng lại, nhưng anh cũng không phải mẫu họa sỹ cực đoan, với sự nhạy cảm và tinh tế cộng với sự tự tin ở một tay nghề vững vàng sẽ đưa anh cùng tác phẩm của mình đến những miền xa xôi đẹp đẽ của tâm hồn con người…
Quân.Trần (Thực hiện)