Mua sắm tập trung có thể tiết kiệm 10-17% chi phí

ANTĐ - Đây là thông tin được ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề diễn ra chiều 28-4.

Mua sắm tập trung có thể tiết kiệm 10-17% chi phí ảnh 1Thực hiện mua sắm tập trung giúp ngân sách tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm 

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, việc thực hiện thí điểm mua sắm tập trung đã đạt được các mục tiêu như dự định ban đầu, như thu hẹp đầu mối, rà soát để đảm bảo tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản. Quá trình triển khai của các bộ, ngành địa phương con số tiết kiệm được là khoảng 500 tỷ đồng, do quy mô mua sắm ở giai đoạn thí điểm là rất nhỏ, các bộ ngành địa phương chỉ chọn 1-2 mặt hàng để thực hiện.

“Từ việc thí điểm cũng rút ra một số kinh nghiệm”, ông Thịnh nói. Cụ thể là, cơ chế mua sắm tập trung không bắt buộc nên nhiều bộ ngành địa phương mua sắm lớn nhưng chưa tham gia. Thứ hai là cách thức mua sắm tập trung không phù hợp, bởi áp dụng cách thức giao tiền cho đơn vị đi mua sắm, gây mất thời gian và giảm tính chủ động của đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản.

Ông Thịnh cho biết, cơ chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ mua sắm.
Mặc dù không đưa ra được con số tiết kiệm ngân sách chính xác khi thực hiện phương thức mua sắm tập trung, nhưng ông Thịnh cho biết: “Theo kinh nghiệm các nước đã áp dụng phương thức mua sắm tập trung, sẽ tiết kiệm được từ 10-17% tổng giá trị so với cách mua cũ, do áp dụng tiêu chuẩn định mức phù hợp, chi phí giảm và việc mua sắm tập trung hơn”.

Thông tin thêm, ông Thịnh cho biết, theo ước tính, mỗi năm ngân sách phải chi khoảng 200.000 tỷ mua sắm tài sản công.