Mùa mưa bão cần đề phòng tai nạn về điện!

(ANTĐ) - Trước thực trạng Hà Nội đang trong mùa mưa bão, mỗi khi mưa to khiến nhiều tuyến phố, khu vực ngập sâu trong nước ảnh hưởng đến sinh hoạt và an toàn tính mạng của người dân, trong đó có nỗi lo ngại bị điện giật chết. Về vấn đề này, ông Hồ Viết Thống - Phó ban Kỹ thuật Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) đã thông qua Báo An ninh Thủ đô cảnh báo người dân:

Mùa mưa bão cần đề phòng tai nạn về điện!

(ANTĐ) - Trước thực trạng Hà Nội đang trong mùa mưa bão, mỗi khi mưa to khiến nhiều tuyến phố, khu vực ngập sâu trong nước ảnh hưởng đến sinh hoạt và an toàn tính mạng của người dân, trong đó có nỗi lo ngại bị điện giật chết. Về vấn đề này, ông Hồ Viết Thống - Phó ban Kỹ thuật Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) đã thông qua Báo An ninh Thủ đô cảnh báo người dân:

Khi mưa to, gió lớn không nên ra đường; Nếu đang ở ngoài đường thì không nên đứng dưới đường dây điện, không đứng cạnh sờ mó vào cột điện, trạm biến áp (TBA), tủ điện ven đường; Không trú mưa phía dưới, bên cạnh và bên trong TBA. Nếu thấy nhà bị nước có nguy cơ tràn vào hãy cắt điện của nhà mình, chuyển thiết bị điện lên vị trí cao. Khi phát hiện khu vực mình đang ở bị ngập úng, các bất thường về điện thì không được đến gần mà tìm cách bảo vệ không cho mọi người đến gần rồi báo cho nhân viên ngành điện hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để được trợ giúp…

Có một thực tế là hiện nay có nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội đang được đào bới để hạ ngầm cáp điện, nếu mưa to làm đường ngập thì các hộp nối đầu cáp có đảm bảo an toàn cho người dân không và khi xảy ra tai nạn thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đại diện ngành điện lực Hà Nội cho biết, cáp ngầm và hộp nối cáp ngầm trung thế có khả năng chống thấm nước, đầu cáp có hai loại kín và hở; Về mặt kỹ thuật, loại kín chịu được ngập nước, loại hở không chịu được ngập nước. Tuy nhiên, khi có nguy cơ ngập nước đối với cả hai loại này, các đơn vị quản lý sẽ cắt điện. Khi xảy ra tai nạn, việc phải xử lý ngay là khắc phục hậu quả, sau đó mới điều tra xác minh nguyên nhân, tiếp theo mới quy trách nhiệm các tổ chức hoặc cá nhân liên quan.

Một vấn đề gây lo ngại trong người dân là hiện nay có nhiều hộp kỹ thuật điều khiển điện được bố trí quá thấp tại nhiều nơi so với mặt đường, e ngại tình trạng rò rỉ điện khi mưa lớn, đường ngập. Đại diện ngành điện lực giải thích, các tủ điện được bố trí trên bệ móng, độ cao cần được tính toán để phù hợp với người thao tác và hạn chế ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh, thông thường độ cao bệ móng tối thiểu khoảng 30cm; Tuy nhiên, tại một số nơi có nguy cơ bị ngập lụt, tủ điện được bố trí cao hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành điện thường xuyên thống kê các điểm có khả năng xảy ra úng ngập để có biện pháp ngắt điện kịp thời khi có mưa bão.

Việc 3 người dân tử nạn vì điện giật trong trận mưa gây ngập lụt ngày 13-7 vừa qua đã cảnh báo chúng ta: Để không xảy ra các tại nạn tương tự, mọi người dân cần nêu cao ý thức tự phòng ngừa, phải trang bị cho mình các kiến thức cơ bản về an toàn điện, các yếu tố nguy hiểm về điện, cách cấp cứu và sơ cứu người bị điện giật…

Đã đến lúc ngành điện lực Hà Nội cần phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn điện, có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị và cá nhân không chấp hành các nội dung về an toàn điện, nhất là trong mùa mưa bão.

Tiến Phúc