- Rau xanh bội thu, nông dân thiệt nặng
- Giá rau xanh tăng cao do thời tiết
- Hoa quả, rau xanh tăng giá từng ngày
Nguồn cung thủy hải sản cho Hà Nội giảm sút do mưa lớn. Ảnh minh họa
Hải sản tăng giá “chóng mặt”
Tại chợ Ngô Sĩ Liên, hải sản là mặt hàng ghi nhận mức tăng lớn nhất. Tiểu thương tại đây cho biết, do mưa lớn ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng kéo dài trong nhiều ngày qua, khiến nguồn hàng về chợ giảm nên giá tăng lên. Cụ thể, ghẹ loại khoảng 500-700g/con giá 600.000 đồng/kg, tăng 150.000- 200.000 đồng/kg so với ngày thường. Cua biển cũng lên mức 500.000 đồng/kg, thay vì dao động 350.000- 400.000 đồng/kg như trước đây.
Chị Nguyễn Minh Thu (phố Lê Duẩn, Hoàn Kiếm) định chuẩn bị bữa hải sản cho gia đình trong ngày nghỉ cuối tuần nhưng đành phải thay đổi thực đơn. “Cua, ghẹ đều tăng giá mạnh quá, tôi phải chuyển sang mua thịt bò. Đợi hết mưa bão, hải sản giá rẻ hơn sẽ mua bù bữa hôm nay”- chị Minh Thu chia sẻ. Theo phản ánh của người dân, tại chợ cóc trên phố Thể Giao - Tuệ Tĩnh, hải sản cũng tăng giá mạnh. 1kg sò huyết ngày thường 70.000- 80.000 đồng/kg, nay cũng có giá mới là 100.000 đồng/kg.
Không riêng gì hải sản, từ cuối tháng 7, giá thịt lợn hơi tại Hà Nội ở mức 49.000 - 52.000 đồng/kg, tăng từ 4.000 - 7.000 đồng/kg, tương đương tăng 8-15% so với tháng trước. Do đó, một số siêu thị đã điều chỉnh tăng giá bán thịt lợn và thịt bò. Siêu thị Lotte Mart báo giá thịt lợn nạc thăn 103.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 101.000 đồng/kg; thịt bò thăn giá 289.900 đồng/kg; gà ta làm sẵn loại A giá 132.000 đồng/kg. Siêu thị Vinmart, thịt lợn nạc thăn 116.900 đồng/kg; thịt ba chỉ 126.900 đồng/kg; thịt bò thăn giá 308.900 đồng/kg; gà ta làm sẵn loại A giá 166.900 đồng/kg.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, giá thịt lợn tăng có nguyên nhân từ việc các thương lái Trung Quốc đang thu mua lợn hơi để bán sang Trung Quốc, khiến giá bán trong nước nhích lên. Các siêu thị đã điều chỉnh giá bán lẻ tăng nhẹ. Tuy nhiên, tại các chợ, do nhu cầu của người dân về các loại thịt gia súc, gia cầm không tăng nên giá các mặt hàng này vẫn ổn định. Thịt lợn nạc thăn 95.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 85.000 đồng/kg; thịt mông sấn 80.000 đồng/kg; thịt bò thăn 280.000 đồng/kg; thịt bò mông 270.000 đồng/kg; thịt gà ta làm sẵn nguyên con 120.000 đồng/kg; gà công nghiệp 65.000 đồng/kg. Giá trứng tại các chợ tăng lên 7-10% so với tháng trước vì người dân tăng thu mua trứng để sản xuất bánh trung thu.
Rau xanh sẽ bước vào đợt tăng giá mới?
Trong những ngày mưa lớn vừa qua, giá rau xanh tại các chợ được quyết định theo cung- cầu khá rõ. Tại chợ cóc ngõ 81 đường Lạc Long Quân, hầu hết các loại rau xanh đều tăng thêm 1.000 đồng/mớ. Cụ thể, rau ngót từ 3.000 đồng/mớ lên 4.000 đồng/mớ; rau muống 4.000 đồng/mớ. Rau xanh tại chợ Thành Công cũng tăng giá nhẹ do không ít người dân mua tích trữ phòng mưa bão. Tuy nhiên, ghi nhận tại chợ Phùng Khoang, chợ Trung Văn, giá rau xanh không có biến động. Lượng người mua tại đây không tăng, thậm chí còn giảm vì người dân ngại ra đường. Song theo chị Trần Thị Tuyết - tiểu thương chợ Phùng Khoang, vài ngày tới, rau xanh có thể tăng giá mạnh hơn bây giờ, vì nhiều vùng rau xanh bị dập nát, thối gốc do mưa.
Trước đó, từ tháng 7, một số loại rau củ trái mùa cũng tăng giá nhẹ. Cụ thể giá bán lẻ tại chợ Khương Trung, cà chua 20.000 đồng/kg tăng 4.000 đồng/kg; khoai tây 16.000 đồng/kg tăng 1.000 đồng/kg; rau muống 6.000 đồng/mớ tăng 1.000 đồng/mớ; rau mùng tơi 6.000 đồng/mớ tăng 2.000 đồng/mớ; cải thảo 16.000 đồng/kg tăng 2.000 đồng/kg. Một số siêu thị cũng tăng giá rau củ như: bí đỏ, cải xanh và cải ngọt từ hơn 6.000 đồng/kg đến 11.900 đồng/kg. Ngược lại, các loại rau củ đang vào mùa lại giảm giá do nguồn cung dồi dào.
Các chuyên gia cho biết, tháng 8 sẽ là tháng cao điểm của mùa mưa bão, xen kẽ với đó vẫn là nắng nóng cục bộ. Thời tiết này có thể ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch của nông dân nên giá rau củ có khả năng tăng nhẹ. Đối với các loại thực phẩm tươi sống, nguồn cung vẫn bị ảnh hưởng do thương lái mua lợn hơi bán sang Trung Quốc và vận chuyển vào các tỉnh phía Nam, song do nhu cầu của người dân không tăng đột biến nên giá cả nhóm hàng này sẽ ổn định.
Điều chỉnh giá phải tránh dồn vào một đợt
Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính dự báo, trong tháng 8, giá thế giới của một số mặt hàng như xăng dầu thành phẩm, gas, gạo xuất khẩu sẽ giảm hoặc ở mức thấp, tạo thuận lợi cho công tác điều hành trong nước. Tuy nhiên, tháng 8 tiếp tục là mùa mưa bão, với các tác động đến đời sống và sản xuất, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, làm tăng giá cục bộ tại các địa phương.
Trên cơ sở các dự báo, cơ quan quản lý giá kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường. Trường hợp cần điều chỉnh giá phải có đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp, tránh điều chỉnh dồn vào một đợt hoặc điều chỉnh đồng thời với các mặt hàng khác sẽ gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý, hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường năm 2015.