Mua bán khung nhà cổ
(ANTĐ) - Nhắc đến nhà cổ quanh khu vực Hà Nội có lẽ ai cũng từng nghe tiếng căn nhà của cụ Phí ở xóm Chùa, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Các chuyên gia Nhật Bản đã từng về khảo sát 2 lần và đưa ra đánh giá sơ bộ về niên đại của ngôi nhà, căn nhà có niên đại ngót nghét 2 thế kỷ. Đây có lẽ là một trong những căn nhà cổ nhất quanh khu vực Hà Nội cũng như ở miền Bắc.
Bộ khung nhà gồm có 30 cột gỗ, trong đó tất cả các cột chính được làm bằng gỗ lim, những cột phụ bằng gỗ xoan. Khung nhà làm bằng các loại gỗ như mít, xoan, dâu, mái lợp ngói cổ. Có nhìn tận mắt mới thấy, căn nhà cổ của cụ Phí được chạm trổ tinh xảo đến mức nào. Các bộ vì, kèo, xà nhà đều được chạm khắc rất tinh tế, mặc dù đã hơn 200 năm tuổi nhưng các chi tiết vẫn rõ nét, đường vân không bị mờ.
Khi cụ vẫn còn sống đã có lần thấy ủy ban văn hóa nói có ý định trùng tu lại căn nhà. ấy vậy mà cho tới tận khi cụ Phí qua đời, căn nhà cũng đã xuống cấp nhiều vẫn chưa thấy ai về lên kế hoạch tôn tạo tu sửa. Căn nhà đã hư hại và xuống cấp rất nhiều, gia đình lại đông con cháu, cực chẳng đã con trai của cụ Phí là ông Phí Mạnh Diễm đành rao bán khung ngôi nhà này. Theo lời ông Diễm, bán đi căn nhà cổ bao kỷ niệm này là điều khiến ông rất khổ tâm nhưng thà bán cho người có thú chơi, có lòng và có khả năng tôn tạo lại ngôi nhà như vốn dĩ của nó còn hơn là dỡ bỏ đi. Hơn nữa cũng bù đắp phần nào vào chi phí dựng nhà mới cho gia đình.
Mới đây nổi lên câu chuyện về căn nhà triệu đô ở làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Chuyện thật mà như đùa, căn nhà của dòng họ Phí ở Hương Ngải, Thạch Thất hơn 200 năm tuổi, căn nhà ở Bắc Ninh thì 234 năm, cũng không khác nhau là mấy về niên đại, họa tiết hoa văn trang trí. Thế nhưng một căn giá triệu đô còn một căn kia giá bán chỉ vài chục triệu… đồng.
Anh Trần Tiến Dũng với những chi tiết của khung nhà cổ mua lại |
Ông Diễm tâm sự, nhiều người đến hỏi mua, nhưng thật ra lại chẳng tìm hiều gì về ngôi nhà, không hiểu gì về kiến trúc nhà cổ đồng bằng Bắc bộ. Thế nên cuộc mua bán một chứng tích văn hóa mà cứ như đi chợ. Có kẻ lại là cò, mua của người chán bán cho người cần. Mãi cho tới khi gặp được anh Trần Tiến Dũng nhà ở Sơn Tây ông Diễm mới đồng ý bán, giá không cao nhưng ông Diễm vẫn bán. Bởi ông cũng mừng vì đã tìm được người có lòng, có duyên với căn nhà.
Anh Trần Tiến Dũng năm nay 39 tuổi là một doanh nhân thành đạt ở Sơn Tây, gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng rất phát đạt. Từ khi còn trẻ anh đã có niềm đam mê đối với cây cảnh và đồ cổ. Anh kể với tôi rất nhiều chuyện về những lần anh lùng mua được cái sập cổ ở Thái Bình hay bộ chóe, nai men rạn gốm Bát Tràng cổ. Anh đã lùng mua rất nhiều đồ cổ, giờ chỉ còn chờ tìm được mảnh đất ưng ý, dựng căn nhà cổ để làm chỗ để.
Nói là nói vậy nhưng từ lúc mua xong căn nhà cổ của cụ Phí, anh vẫn chưa tìm được nơi dựng. Nơi thì quá xa nhà anh, gia đình không có điều kiện trông coi, chỗ lại quá gần đường lớn dễ làm hư hại đến căn nhà. Nhìn bộ khung nhà cổ nay đã được dỡ ra dựng khắp nơi mà lòng không khỏi đau xót.
Anh tâm sự: “Tôi đã tìm được một mảnh rất ưng ý ngay gần đền Và, đúng khu làng cổ. Giờ chỉ chờ người ta gật đầu bán đất là tôi sẽ chọn ngày dựng nhà ngay. Chứ giờ chưa có điều kiện phải gửi toàn bộ khung nhà, các cột lim, bộ chân đá. Toàn đồ cổ hàng trăm năm tuổi thế này mà nhìn bọn trẻ chạy qua chạy lại xót lắm”.
Ông Diễm, anh Dũng không phải những người đầu tiên hay duy nhất mua bán khung nhà cổ. Từ những năm 1999 nhà cổ ở Hội An đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp hư hại của nhà cổ dẫn đến việc đổ xô đi bán nhà. Nhưng chẳng phải ai mua nhà cũng để chơi như anh Dũng, chẳng phải ai bán nhà cũng là để cố giữ cho được cái kỷ vật của cả một dòng tộc như anh Diễm.
Nhiều người đang ngày đêm lần tìm về nông thôn, bật rễ những ngôi nhà cổ. Nghe nói thú chơi ngông của các đại gia bây giờ là lùng mua những ngôi nhà cổ làm thành khuôn viên dân dã, nơi đi về hưởng thụ cuộc đời của mình. Nhưng thật không hiểu nổi cảm giác sống trong một căn nhà của người khác, nơi mỗi cột nhà, mỗi một cánh cửa đều thấm đượm mùi hương khói của một nếp nhà khác như thế nào.
Người Việt Nam ta tin mình có tổ tiên nhưng tại sao không tin ngôi nhà có linh hồn? Linh hồn ấy làm từ tâm nguyện của những người xây dựng nên, làm từ hương khói họ nguyện cầu năm này qua năm khác, qua những con chữ khắc trên trần nhà, họa tiết. Nói đi cũng phải nói lại, có những người vì lý do nào đó chẳng hạn như vì kinh tế nên đành phải bán đi. Có trách là trách những người làm văn hóa, năm lần bảy lượt đi khảo sát, kiểm tra cuối cùng đâu vẫn hoàn đó.
Đỗ Nguyễn Đệ